Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Lừa nhau quá dễ

Chỉ là một công ty tư nhân bán hàng đa cấp, trong thời gian mấy năm, Công ty Liên Kết Việt của một kẻ vô danh tiểu tốt là Lê Xuân Giang đã lừa được tới 62.000 người (một con số kinh khủng), trên khắp cả nước, với số tiền 1.900 tỉ đồng (con số này còn kinh hơn nữa). 

Qua vụ lừa đảo ở tập đoàn bán hàng đa cấp Liên Kết Việt này, ta có thể thấy mấy điều:

-Nhiều người không nghĩ rằng để có đồng tiền sinh sống phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cứ tưởng kiếm tiền dễ lắm, tiền sinh tiền, nên sa bẫy là phải. Lòng tham đã khiến con người mờ mắt, liều lĩnh, đần độn, tự mình hại mình, khó trách được ai.


-Có không ít người bế tắc trong cuộc sống cho nên dù khá tỉnh táo, biết nguy cơ là rất cao nhưng vẫn liều nhắm mắt đưa chân. Rất bi kịch. Những nhà cai trị lúc nào cũng phát ngôn về an sinh xã hội cần biết điều này.


-Xã hội ta bây giờ, do quân đội và công an quá được cưng chiều, bất khả xâm phạm nên có những kẻ ma lanh dựa vào đó để làm bậy và dễ thành công. Chúng cũng biết khi bị đổ bể thì cũng khó xử lý bởi rút dây động rừng. Vụ Lê Xuân Giang, hoặc vụ một sĩ quan công an ở Tây Ninh thế chấp thẻ đảng để vay hàng trăm triệu đồng rồi không chịu trả, vụ một đại tá công an ở Quảng Trị bị đình chỉ công tác để "kiểm điểm" do nhận hàng tỉ đồng chạy việc, bị tố cáo... đủ nói rằng đã phát sinh loại kiêu binh, quyền lực rất lớn, dân chúng dễ bị họ mê hoặc, lừa đảo.


-Bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan chức năng (trong đó có quân đội, công an) rất vô trách nhiệm khi để sự lừa đảo của Lê Xuân Giang kéo dài, công khai, rùm beng như vậy. Chỉ riêng cái tên viết tắt BQP, nếu tinh ý là nhận ra ngay, truy 1 câu là ra ngay, nhưng không ai hỏi, tạo điều kiện cho nó tác oai tác quái.


-Những vị lãnh đạo cấp cao, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp "ngây thơ" nhận tiền, quà, phong bì... của nó để làm bình phong cho nó, nếu còn biết điều thì hãy nhả ra để trả lại cho người bị hại.


Nguyễn Thông

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Đã có sự nhầm lẫn


    Tôi viết mấy điều này nhân câu nói của ông Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình, còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”. Có một số người phụ họa, bảo rằng đúng đúng, nghèo cho nên yên bình.

    Ngày xưa (chủ yếu ở miền Bắc trước 1975), nếu không kể bị chiến tranh do Mỹ bỏ bom thì có thể nói cuộc sống khá yên bình (theo khía cạnh xã hội) và rất nghèo.

    Về mặt xã hội, những vụ việc không yên bình, gây xáo trộn cuộc sống và tai tiếng nhất lại chính là những vụ do nhà nước chủ trương, ví dụ chống Nhân văn giai phẩm, chống nhóm xét lại chống đảng, còn ngoài ra thì cuộc sống của dân khá yên ổn. Ít trộm cắp, tệ nạn xã hội, chém giết, lừa đảo, chạy chọt, lừa thầy phản bạn, hung tợn, khát máu, kênh kiệu, dốt nát, học đòi…; nhiều sự yêu thương, chan hòa, thông cảm, biết quan tâm đến nhau, lễ nghĩa, kính trên nhường dưới, san sẻ nghĩa tình, chân thật, vô tư, trong sáng… Một thời con người thật là đẹp. Chỉ có điều, sự tốt đẹp ấy được bắt nguồn từ bản chất của con người dù trải qua cả thời phong kiến lẫn thực dân, có nền tảng vững chắc trong cả gia đình, nhà trường và xã hội, được các thế hệ truyền cho nhau, ít chịu sự tác động, công phá của chế độ xã hội. Nói thẳng ra, cái tốt, sự yên bình ấy là do con người chứ không phải do chế độ mới.

    Còn cuộc sống vật chất, không cần vòng vo gì, rất nghèo. Thiếu thốn đủ mọi thứ. Sống luôn trong tâm trạng đợi ngày mai, sống mòn. Bao nhiêu của cải vật chất tốt nhất dồn cho cuộc chiến tranh nên thiếu thốn là điều không tránh khỏi. Tôi còn nhớ, chỉ dịp tết mới được phân phối chục cái bát ăn cơm phế phẩm (có những cái còn dính cả mảnh vỡ vào thành bát), ký muối, chai mắm, gói hạt tiêu, hộp mứt, chục lá dong… Tất cả những thứ ấy đều có thể sản xuất trong nước mà vẫn thiếu, nói chi đến mét vải, lít dầu hỏa, ký đường phải nhập khẩu. Vài năm không thấy bóng dáng hộp sữa là chuyện thường. Không phải do con người không chịu sản xuất, mà cái chính là làm ra cái gì cũng bị quản lý. Nuôi con lợn, con gà đều phải bán cho hợp tác xã mua bán (tức nhà nước), muốn ăn miếng thịt, phải đợi nhà nước phân phối, nên ghét không thèm làm, chính vì vậy dù có sức sản xuất nhưng không được thúc đẩy, cả nền kinh tế bị trì trệ, cuộc sống vật chất thiếu thốn trầm trọng. Anh nào dấm dúi bung ra làm giàu là bị trừng trị ngay. Cái nghèo một phần do con người thụ động, nhưng nguyên nhân chính cũng tại nhà nước.

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Mùa lễ hội, sực nhớ cụ cử Phan Kế Bính

1.Dường như cả xã hội nước ta, từ dân đến quan, trong Nam ngoài Bắc, các phương tiện báo chí truyền thông… đang sôi sùng sục trong mùa lễ hội.

    Như đã thành lệ, chả biết tự đời nào, cứ đón xuân ăn tết xong là bước tiếp vào cuộc chạy marathon mệt nghỉ với lễ hội. Tháng giêng là tháng ăn chơi, người ta quan niệm vậy nên ra sức chơi bời, nào có nghĩ rằng mỗi thời, mỗi nơi cần phải khác đi. Coi cái sự ăn chơi, đàn đúm, tung tẩy thành cả phong trào, thiết nghĩ lấy làm lo lắm.

    Theo một thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) được công bố hồi đầu năm ngoái, cả nước ta mỗi năm có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bao gồm lễ hội cấp quốc gia và lễ hội nơi làng xã, huyện tỉnh. Hình thức cũng khá đa dạng: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử, lễ hội sinh hoạt, thậm chí cả lễ hội vừa được du nhập từ nước ngoài. Có người nhẩm tính, một năm 365 ngày, vậy bình quân mỗi ngày cõng 22 lễ hội. Quả thật, con số đáng nể, một kỷ lục dạng Guinness mà khó quốc gia nào phá được.

    Nhìn vào thực tế, hầu như ai cũng thấy phần lớn lễ hội tập trung, diễn ra dồn dập vào tháng giêng. Cũng có thể do thời xa xưa, điều kiện thời tiết, canh nông khoảng thời gian này phù hợp (ngơi việc đồng áng chẳng hạn) nên phát sinh nhiều lễ hội, cũng có thể nhân tiện đang đà ăn chơi mùa xuân nên làm tới luôn. Cả nước lễ hội, từng vùng lễ hội, hàng tỉnh hàng huyện lễ hội, mỗi thôn làng tưng bừng mở hội, người người nô nức trảy hội. Không tính bằng ngày mà kéo dài cả tháng, thậm chí vài tháng. Báo điện tử Một Thế Giới vừa đưa tin tỉnh Quảng Ninh đã lần đầu tiên chính thức khai hội xuân Ngọa Vân ở thị xã Đông Triều, sẽ kéo dài suốt 3 tháng và được tổ chức hằng năm. Cũng nên lưu ý rằng Quảng Ninh đã nổi tiếng với lễ hội Yên Tử nơi cách đó không xa, cũng chỉ mở trước lễ hội mới này vài ngày, cùng liên quan đến thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

Chém, chọi, cướp và thề

CanhCo

Mỗi năm có ba chữ C to đùng vào những ngày tháng Giêng, khi người Việt vẫn mang nặng tâm lý là tháng ăn chơi, tháng lễ hội và cờ bạc mà trong những trò ăn chơi ấy lộ rõ tính cách người Việt, hay ít ra một bộ phận rất lớn người Việt một cách thảm hại.

Chém. Tại sao vẫn còn lễ tục dã man này trong xã hội văn minh khi nhà nước vẫn một hai cho rằng cả nước đang hòa mình vào thế giới phẳng, nơi mà cuộc sống của từng người bên này bán cầu cũng được nhín ngắm, sờ mó, thậm chí rình rập của người khác ở phía bên kia.

Chém lợn ở làng Ném Thượng năm nay xem ra thiếu ầm ỉ, đám rước ông “lợn” lèo tèo vài trăm người với hình bác to đùng đi trước. Vài người theo sau với lộng, cán, trống cùng với phướn và ông lợn nằm trên xe cây coi bộ buồn rầu ủ rũ lạ. Lễ hội chém lợn được đông đảo người trẻ tham gia, không biết nếu có dịp ra nước ngoài du học các em trả lời sao khi bạn bè ngoại quốc hỏi các em  nghĩ sao về hình ảnh dã man này?

Bên cạnh lễ hội phanh thây lợn của làng Ném Thượng Bắc Ninh thì người dân Đồ Sơn Hải Phòng lại có nguồn vui chọi trâu không kém phần dữ tợn. Con vật giúp người nông dân ngoài đồng, hiền lành chăm chỉ với công việc ngàn năm trên mảnh ruộng Việt Nam bị đem ra giết nhau với đồng loại. Biết ơn trâu cày người ta cho hai con chọi với nhau, kết quả cả hai lăn đùng ra chết!

Phong cách Đinh La Thăng

    Có lẽ thông tin mới nhất liên quan đến tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng là chiều 21.2, Văn phòng Thành ủy công bố con số, sau 2 ngày hoạt động (chính xác là 43 tiếng đồng hồ), đường dây nóng của Bí thư Thành ủy đã tiếp nhận gần 2.000 cuộc gọi, tin nhắn, chủ yếu từ người dân, phản ánh nhiều mặt cuộc sống của thành phố sôi động, đông dân nhất nước này. Con số ấy phần nào thể hiện sự kỳ vọng, trông đợi, tin cậy của dân chúng vào người đứng đầu thành phố.

    Một chi tiết thú vị: Theo báo Lao Động, sau khi số điện thoại cá nhân của Bí thư Đinh La Thăng được đưa lên mạng xã hội kèm lời ghi rằng “Nếu không gọi được có thể nhắn tin, tôi sẽ trả lời”, chỉ trong một buổi tối, điện thoại cá nhân của ông Thăng lập tức nghẽn mạng, treo máy khi có tới hơn 1.500 tin nhắn được gửi tới. Có lẽ chưa có vị lãnh đạo nào bị “sức ép” của dân chúng dồn dập trong thời gian ngắn đến thế.

    Hàng loạt hoạt động của ông Đinh La Thăng ngay sau khi ngồi ghế Bí thư Thành ủy đã được nhân dân, báo chí quan tâm theo dõi sít sao. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi chỉ đạo, mỗi mối quan tâm, mỗi sự lưu ý của ông đều trong tầm ngắm của dư luận. Và cũng như mọi người, mọi sự trên đời, đều có khen có chê, có đánh giá phân tích thế này thế nọ về ông. Nhưng có thể thấy rõ rằng đại đa số người quan tâm, để ý đến ông Thăng đều ủng hộ, tán đồng, đặt vào ông nhiều niềm tin và hy vọng.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): ĐA VÀ THIỂU

    Tôi vừa đọc trên một tờ báo uy tín vào loại hàng đầu xứ ta, khi tường thuật buổi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng làm việc với Công an TP.HCM có thuật rằng bí thư chỉ đạo trong 3 tháng phải giảm thiểu tối đa tình hình tội phạm.

     Không phải đang có phong trào khen anh Thăng mà tôi a dua, nhưng tôi nghĩ rằng một người có trình độ như anh ấy mà tôi biết lâu nay có lẽ không dùng cụm từ sai “giảm thiểu tối đa”, mà do phóng viên viết tán vào thôi, lọt sang tay một biên tập viên chưa cứng nên mới có câu đó trên mặt báo.

     Trong cụm từ “giảm thiểu tối đa” ta thấy toàn từ Hán Việt. Trong đó, tối có nghĩa là hết sức, hết mức, để chỉ sự vô hạn; ví dụ: tối ưu (tốt nhất), tối mật (bí mật nhất), quy chế tối huệ quốc (quy chế cho nước được nhiều ưu đãi nhất). Đa là nhiều, lắm; tối đa là nhiều nhất, nhiều hết mức; ví dụ: đa mưu là lắm mưu, đa dục là nhiều ham muốn, ham muốn hết mức. Văn cổ có câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là chỉ cần tinh chất mà không cần nhiều, thà ít mà chất lượng cao, còn hơn nhiều mà thấp; hoặc truyện dân gian có câu “đa mao thiểu nhục, tắc phù” nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi (trong truyện, câu này để chỉ con vịt. Nghe anh thư sinh nói vậy, anh ít chữ mới vặn thế cái thuyền kia thì lông đâu thịt đâu mà nó vẫn nổi). Đối lập với đa là thiểu. Thiểu nghĩa là ít. Ví dụ thiểu số là số ít; dân tộc thiểu số tức là dân tộc có ít người (so với người Kinh); thiểu năng là khả năng, năng lực, cái sức làm bị hạn chế; tối thiểu là ít nhất.

     Theo cái cách dùng từ của nhà báo kia, có thể tạm hiểu “giảm thiểu tối đa” tức là hạ xuống, giảm xuống còn ít nhất. Nhưng khổ nỗi, không ai lại trái khoáy cưỡng ép, gán ghép thiểu với đa vào nhau như vậy. Đã ít chữ, hiểu không hết, thì tại sao không diễn đạt đơn giản “kéo giảm tình trạng tội phạm xuống mức thấp nhất”.

     Có lẽ các chi hội nhà báo cần tổ chức lớp bồi dưỡng về từ Hán Việt cho phóng viên và biên tập viên của báo mình.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Test (phép thử)

MẠNH QUÂN (nhà báo)

Sáng cafe, có một ông anh là Ủy viên chuyên trách của một ủy ban của Quốc hội than thở:
-Giờ mà có kiểm tra trình độ tiếng Anh của hàng loạt cán bộ, quan chức, tiến sĩ...kiểm tra thực sự ấy, sẽ lòi cái đuôi dốt hết. Chỉ cần yêu cầu các ông, bà ấy đọc to, rõ ràng bảng chữ cái hay viết mấy dòng CV là đủ.

Ông kể, ở Ủy ban của ông, khủng hoảng vì thiếu cán bộ biết ngoại ngữ, nên đi công tác nước ngoài, theo lời mời của Nghị viện, Q hội nước nọ nước kia, nhiều khi ê mặt ra với nhau vì không hiểu tiếng mà chưa thuê kịp phiên dịch.

"Ủy ban đã từng tuyển 1 cô giáo tiếng Anh, thế mà đi công tác 1 chuyến, người ta nói với đoàn: các ông đừng bao giờ cho cô này đi nữa", ông nói.

Riêng cá nhân người kể thì lại được ghi nhận là một cán bộ nỗ lực học tiếng Anh (điều này không phải do ông nói ra mà tôi nghe mấy người nhận xét như vậy). Ông học tiếng Anh muộn, nhưng chủ động đi học, đạt trình độ khá tốt nên các đoàn nào của ủy ban, có ông đi, cũng khá yên tâm. Nhưng những người như ông, cũng không có nhiều.

Ngân hàng không thích làm du lịch

    Nói chính xác là Ngân hàng Vietcombank-VCB, một ngân hàng nhà nước vào loại đầu bảng. Ngân hàng lớn thế mà có những dịch vụ thiếu chu đáo, như chuyện tôi kể dưới đây:

    Sáng 15.2 (mùng 8 tết), tôi đến trụ sở VCB Bến Thành trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM làm lại cái thẻ ATM. Ngày đầu tiên sau tết, lại là đầu tuần nên rất đông. Lấy số thứ tự, ngồi chờ như mọi người. Có mấy người nước ngoài cũng đang chờ.

    Khổ nỗi, loa thông báo của ngân hàng chỉ phát bằng tiếng Việt, ví dụ “xin mời khách hàng số ba không tám một (3081) đến quầy số năm”, mấy ông bà Tây nghe chả hiểu gì, lâu lâu lại nhổm dậy cầm phiếu số chìa ra hỏi nhân viên (chắc họ hỏi: đã đến lượt tôi chưa?), nhân viên VCB giải thích vài câu, xua tay; họ về chỗ, chút nữa lại nhổm đít hỏi, lại xua tay, về chỗ… Rất nhiều lần.

    Tôi chứng kiến cảnh đó, ái ngại quá, ra nói với anh bảo vệ đang canh chừng, anh ạ, anh xem có ô nào trống, kêu họ vào, giải quyết cho họ trước đi, đừng để họ tội nghiệp như thế. Chàng bảo vệ xua tay: không được, em đã từng giải quyết thế, bị người ta phản đối dữ lắm.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Gặp nhau trong dinh Độc Lập

    Nổ thế cho oai chứ thực ra là cái nhà khách ở góc tây nam khuôn viên dinh, chỗ giáp đường Nguyễn Du.

    Bác Phạm Chuyên, cựu giám đốc Công an Hà Nội du xuân muộn phương nam, kêu Thông ơi, anh ghé Sài Gòn, em đến chơi nhé. Mình phi xe máy tới, chậm khoảng 5 phút (ngày 18.2) so với giờ hẹn, là người đến cuối cùng. Bao giờ cũng tất bật lẫn lề mề, cái tính xấu không sửa được. Tất cả mọi người đều đứng ở ngoài sân chờ, làm mình ngượng chết đi. Quan năm Đào Lê Bình bảo, a, ông Thông tới rồi, vào thôi, cứ như chỉ còn chờ mình tới là ký hiệp định đem lại mùa xuân cho Sài Gòn.

    Vừa ăn vừa trò chuyện. Có bánh chưng nức tiếng thương hiệu chợ Đồng Xuân của bạn đại tá Bình mang từ ngoải vào, lẩu cá hú do bác Chuyên đặt, rượu ngon của cựu nhà báo Quang Thắng và những người bạn của Bình, thơ của bác thi sĩ kính nể Nguyễn Duy. Còn mình chỉ có cái mồm để ăn, thêm cái tai để nghe thơ. Thơ Phạm Chuyên, thơ Nguyễn Duy làm mình cứ tưởng đang ngồi ở Hà Nội, đậm không khí văn nghệ Bắc Kỳ. Hai ông này già rồi nhưng trí nhớ đều tuyệt vời. Mình bảo, già, xấu và hâm như các bác cũng đủ bỏ mẹ các cô chân dài. Hai ông cùng cười.

Nghĩ ngợi sau ngày tết

    Bên cạnh những thông tin, số liệu vui ngày tết (tết đương nhiên là phải vui), những ngày qua, trên báo chí truyền thông bật lên hai số liệu buồn. Thứ nhất là số vụ tai nạn giao thông, người chết, người bị thương; thứ nhì là số vụ đánh nhau, những người phải vào bệnh viện cấp cứu do ẩu đả.
 
    Cứ theo báo cáo hằng ngày, được cập nhật liên tục của các cơ quan, đơn vị chức năng thì diễn biến trong 2 lĩnh vực xã hội đó có chiều xấu đi so với những năm trước. Mặc dù chính quyền, bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan thông tin truyền thông trước Tết đã nhắc nhở tuyên truyền ráo riết, ra quân thường trực, áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính cứng rắn… nhưng tình hình tai nạn giao thông và gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội vẫn rất đáng lo. Ngay từ đầu năm, xông đất kiểu này khiến lòng người chẳng yên chút nào.

    Theo Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong 8 ngày nghỉ tết, từ 28 tháng chạp Ất Mùi đến mùng 6 Tết Bính Thân (từ 6 - 13.2), cả nước đã xảy ra 334 vụ tai nạn giao thông, làm chết 210 người và bị thương 331 người. Riêng ngày mùng 6 Tết (13.2) đã xảy ra 50 vụ tai nạn, 28 người chết và 56 người bị thương. So với 8 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, số vụ và người chết có giảm chút ít, tuy nhiên vẫn phải nói là kinh hoàng.

    Một số liệu khác cũng kinh hoàng chả kém, thậm chí xét dưới góc độ nhân tính còn kinh hoàng hơn. Trong 8 ngày tết (tính từ 29 tết), các bệnh viện toàn quốc đã ghi nhận hơn 5.200 người nhập viện do đánh nhau, 13 người tử vong, tăng vọt so với Tết Ất Mùi 2015. Báo cáo của Bộ Y tế thống kê chưa đầy đủ cho thấy số tử vong do đánh nhau tăng gấp 2,5 lần so với Tết năm ngoái.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Góp ý cho nhà cầm quyền

Nhà cầm quyền xứ này từng rất sai lầm khi chủ trương làm kinh tế theo kiểu kế hoạch hóa tập trung, tức là ngay từ đầu luôn đưa ra những con số cụ thể, bắt phải làm cho bằng được mà không cần đếm xỉa gì đến hoàn cảnh, điều kiện khách quan và chủ quan. Và họ đã thất bại cay đắng; phải chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường (mặc dù còn rất e dè, nửa vời, cải lương, tốn thời gian).

Nay tôi thấy anh Thăng (Bí thư thành ủy TP.HCM) chưa thoát ra khỏi tư duy đó. Hôm qua 17.2, anh ấy làm việc với Công an thành phố, chỉ đạo (thực chất là ra lệnh) trong 3 tháng tới công an phải kéo giảm cho được tình hình tội phạm, kết quả phải thật rõ rệt. Anh ấy mới về, chưa nắm được hết, yêu cầu như vậy là cảm tính, duy lý. Một thành phố như Sài Gòn, lâu nay chỉ thấy báo chí đưa tin hiệp sĩ này, hiệp sĩ khác bắt cướp thay công an thì yêu cầu như thế với công an là hơi cao, hơi nhanh, hơi nhiều.

Hãy rút kinh nghiệm việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm trước Tết chỉ đạo buộc các siêu thị phải bán hàng cả vào ngày mùng 1 tết. Đó là cách chỉ đạo của thiếu tướng công an chứ không phải một ngài đô trưởng dân sự, và đậm đặc tinh thần của cách quản lý, làm kinh tế theo kiểu tập trung, bao cấp ngày xưa.

Mỗi chúng ta, dù muốn hay không muốn, ưa hay không ưa những vị lãnh đạo đương nhiệm, cũng nên có trách nhiệm góp ý với họ, để họ làm tốt hơn. Dù sao thì họ cũng đang nắm quyền.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Hủ tục trồng cây

Xứ này cho đến nay đã cơ bản xong nhiệm vụ phá rừng. Chặt cây đến tận thủ đô thì có thể coi là "thành công tốt đẹp".

Vì vậy, phải khẩn trương trồng cây. 90 triệu người, mỗi người trồng một cây, cả nước sẽ có lại màu xanh. Hôm qua, tôi tự động trồng 1 cây mít ở công viên sau nhà, nếu sau này có trái, hưởng chung. Tôi làm một mình, không cần phát động, trống dong cờ mở. Tôi học cụ Hồ. Ngày xưa cụ trồng cây cũng khá lặng lẽ, chỉ đi cùng người cần vụ, ít khi rùm beng, trừ lần trồng cây ở công viên Thống Nhất năm 1960 và lần trồng cây trên đồi Vật Lại ở Ba Vì năm 1969 có thêm một số người tham gia. 


Còn bây giờ, con cháu cụ quá hình thức, cây thì chửa thấy đâu, chỉ thấy chĩnh chện quần là áo lượt, nghi thức, diễn văn, cờ quạt, bóng bay, khẩu hiệu, bàn ghế đại biểu, nước uống (có khi cả ăn nữa), tập trung cả ngàn người, mất mẹ nó 1 buổi. Hơi bị nhố nhăng.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Người và khỉ

BÁ TÂN
              Người thông minh hơn khỉ.
              Độc ác, khỉ thua người.
              Khỉ không biết dối trá.
              Thật – giả, bản tính người.
             
              Người chỉ có một vợ.
              Ngoài vợ là nhân tình.
              Khỉ làm gì có vợ.
              Tất cả đều tình nhân.

Kinh doanh tử tế

Tôi chỉ biên ra cái này, chả bình luận gì, dễ mang tiếng.

Báo chí đang ồn lên chuyện giá cả chặt chém, nhất là ăn uống, giữ xe, đặc biệt xảy ra trên đường thiên lý bắc-nam, ở những khu du lịch, nơi hành hương cúng bái. Dân kêu như vạc. Lưỡi dao lam cắt cổ mà lại chả kêu.


Hầu hết mấy ngày tết này tôi ở Sài Gòn, chả đi đâu xa. Tôi thấy SG cũng tăng giá, nhưng hình như dân buôn bán ở đây không mua được lưỡi lam. Hôm mùng 6 tết, tôi có tí việc đi trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, đói bụng, ghé vào quán bún mắm (tôi quên tên rồi, nhưng quán này có đề cái bảng rõ to là không có chi nhánh). Điều thú vị nhất là chủ quán ghi trên tờ giấy A3 mấy chữ thật đậm “Ngày tết, quán xin phép quý khách được điều chỉnh tăng giá mỗi đơn vị món 5.000 đồng. Sau tết sẽ áp dụng giá cũ. Mong quý khách thông cảm”. Cạnh cái thông báo đó là bảng giá. Tôi thấy 1 tô bún mắm giá cũ là 50.000 đồng, giá mới bằng giấy ghi bên cạnh 55.000 đồng.


Nói chung rất đàng hoàng. Đó là kinh doanh tử tế.


Nguyễn Thông

Dư luận

Vẫn biết dư luận bao giờ cũng là dư luận, tức là chả thống nhất với nhau, mỗi người một ý, ai cũng đúng, chỉ có đứa không phải mình là sai.

Nhưng giời ạ, cũng khó tính, xét nét vừa vừa thôi. Chả là nhiều công dân bĩu môi chuyện hai ông Bí thư và Chủ tịch Hà Nội đi cấy, bảo là diễn, là làm màu, là vân vân…


Thì cũng có tí lý ở chỗ, các ông ấy không đi cấy, bà con nông dân vẫn phải cấy, các ông có chạy vài vòng máy cũng chả giải quyết được gì cho nền nông nghiệp thủ đô.


Nhưng, các bác ạ, họ là người làm chính trị, họ phải thế. Ngày xưa cụ Hồ đi tát nước, lúc cụ vảy gàu, cả mấy trăm đứa cán bộ quần áo đại cán phẳng phiu xúm xít lại xem, coi cảnh đó có ai nói gì đâu. Chính cụ cũng biết làm thế chả chống được hạn, nhưng làm chính trị nó phải vậy. Vua Lê đi cày, cụ Hồ đi tát nước, con cháu các cụ học gương tiền nhân, đi cấy, có chi mà bực bội, lăn tăn.


Cụ Hồ, vua Lê cũng như hai ông Hà Nội kia mà không đi cày đi tát nước đi cấy, các bác lại phê cán bộ cán biếc gì suốt ngày ngồi salon, không gần dân, không gắn bó với hiện thực cuộc sống vĩ đại, vân vân…


Theo tôi, dám tuột đôi giày ra lội xuống bùn lúc rét 15 độ lả lướt vài vòng eo 56 thế cũng tạm được rồi. Vẫn biết nó là hình thức, gặp nhân dân kiểu đó còn xa cách dân lắm, nhưng ta cứ tạm chấp nhận cho nó lành, nó vui đời.


Tái bút (cứ như thư tình): Có phê là phê chuyện này này: Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) lúc già nhất cũng chỉ có 65 tuổi (thế kỷ 10, thọ vậy cũng là kỷ lục đấy), nhưng không hiểu sao cái lễ hội Tịch điền-vua cày ruộng ở Hà Nam năm nào cũng cứ phải chọn ông cụ ngoài 90 tuổi đóng vai vua Lê. Vừa tội ông cụ, vừa nhí nhố.
(Tớ chả họ hàng gì với 2 ông Hà Nội, nhưng cứ nói thẳng, cho khách quan sòng phẳng).


Nguyễn Thông

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Những vẻ đẹp dung dị làm ta trào nước mắt

    Trong đời thường, nhiều khi ta cứ cố dõi mắt thật xa, vận dụng hết trí tưởng tượng để tìm cho ra, hình dung ra những điều thật lý tưởng, tròn trịa, hoàn mỹ, để rồi phải thất vọng khi không thấy bóng dáng chúng nơi đâu. Nào ta có biết rằng giữa cuộc sống vô cùng vô tận ấy, trong muôn vàn cái đa dạng phong phú ấy, điều ta muốn biết muốn tới chả ở đâu xa mà ngay cạnh mình, trước mắt mình.
 
    Tôi đã có những cuộc kiếm tìm gượng gạo, máy móc như thế, và nhiều lần vô vọng. Ngày này tháng khác trôi đi, đôi lúc buông xuôi, chán nản. Nhưng rồi chính những điều bình thường nhất diễn ra hằng ngày lại giúp mình khai mở, giác ngộ. Và thêm yêu cuộc sống, yêu con người.

    Ở Sài Gòn, đã từ lâu mọi người quen với hình ảnh thùng nước uống miễn phí bên đường dành cho người qua lại. Hớp nước cho người nghèo, người lỡ độ đường trong cái nắng phương Nam gay gắt thật quý biết bao. Một cô gái là chủ công ty nho nhỏ kinh doanh dược phẩm kể cho tôi nghe có lần đang đi trên đường Võ Văn Tần (Q.3), xe dừng khi đèn đỏ cô thấy thùng nước từ thiện bên đường, mấy người bán vé số đang xúm xít uống. Về nhà thì bắt chước làm thôi, chả nghĩ ngợi gì cao xa gì. Sắm thùng inox, ly inox, đưa ra hôm trước, hôm sau thì mất. Chưa kịp mua cái khác, đành dùng tạm thùng nhựa. Bữa sau có người (bí ẩn) đem đến trả lại chiếc thùng inox ấy, cả 2 cái ly nữa, kèm theo mấy chữ xin lỗi viết nguyệch ngoạc. Việc làm tốt đẹp đầy tình người của cô đã lay động cả suy nghĩ người có hành vi sai trái. Từ bấy giở đi, thùng nước để suốt từ sáng đến tối trước nhà, chẳng ai trông coi, không hề dây xích khóa khoáy mà chả hề suy suyển.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Cuba hòn đảo lửa đảo say

(Bài này mình biên trên phây búc, chép lại vào đây)
 
Mặc dù phây búc (Facebook) nó không cho mình gõ chữ nhưng mình cũng quyết nhặt nhạnh vài phím đưa mấy dòng này lên. Bức xúc quá, chả khác nông dân bức xúc khi khiếu kiện chuyện đất đai.

Trước tiên phải chửi: Tiên sư bố nó.

Nó tức là bọn đang cai trị Cuba. Hôm qua VTV phát cái phóng sự của phóng viên Chử Trường Sơn quay và hỏi trực tiếp từ Cuba. Phim của VTV tức là đảm bảo không có thế lực thù địch chen vào. PV Trường Sơn cho biết hiện tại dù Cuba đã có những cải cách nhất định nhưng chính quyền trung ương vẫn rất tham lam, bố láo. 

Chúng vẫn gần như cấm tiệt mọi quyền tự do của người dân. Muốn buôn bán cái quần cái áo, cục xà phòng… cũng phải lén lút, giấu giấu diếm diếm, mắt trước mắt sau. Bị bắt là bị tịch thu hết. Nhà nước quản lý độc quyền việc mua bán thịt bò. Muốn mua thịt bò ngon trong cửa hàng nhà nước thì phải có phiếu, giá rất cao, chỉ dành cho cán bộ. Những điểm bán cho dân chỉ bán thịt bò bạc nhạc, gân vụn, vậy mà cũng phải xếp hàng chen nhau. Nhà nước còn quản lý chặt việc bán… trứng gà (tôi xin nói lại: trứng gà). Mỗi người chỉ được mua tối đa 5 trứng/tháng. Ngoài chợ không có trứng, ai bán chui thì bắt.

Cuba vốn là đảo quốc giàu có và xinh đẹp, người dân lương thiện. Bây giờ thành địa ngục trần gian. Mẹ kiếp, thời này hay thời trung cổ vậy. Tất cả chỉ bởi cái chính quyền CS khốn kiếp ở Cuba. Tôi chỉ mong người dân Cuba thức tỉnh, làm cuộc cách mạng lật mẹ nó đi, chôn vùi nó xuống hố, đổ bê tông xi moong cát sỏi lèn thật chặt không cho nó có thể ngo ngoe được nữa, rồi làm lại cuộc đời.

Tôi muốn nói thêm với thằng quản lý Facebook: Mày cấm tao biên status, tao mất thời gian hơn nhưng không cấm hẳn được tao đâu, êu êu.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Quả táo tây

    Sáng nay mùng 5 Tết dọn bàn thờ tổ tiên ông bà, thay cốc nước, lau tàn nhang, bỏ bình hoa sắp tàn, xin các cụ cho đem đĩa trái cây xuống để con cháu hưởng lộc, tôi chợt nhớ chuyện xưa.

    Trong đĩa trái cây có những quả táo tây. Quả nào quả nấy to mọng, căng tròn, ánh lên sắc hồng đỏ nâu tím. Cứ như tem của siêu thị ghi thì đó là táo Úc, không phải táo Trung Quốc. Những quả táo, chỉ nhìn đã phát thèm.

    Cuối những năm 70, đầu 80 thế kỷ trước cuộc sống thật thiếu thốn khó khăn. Mãi khi vào Nam nhận công tác năm 1977 tôi mới được nếm mùi vị táo tây, mà cũng chỉ một miếng nhỏ trong bữa tiệc cuối năm. Nó có cái ngon riêng so với táo dai, táo xoan, táo Thiện Phiến xứ ta, nhưng về hình thức thì ăn đứt, sang trọng, hấp dẫn hơn nhiều.

    Tôi có chú em rể họ, chú Thọ, dân Kim Sơn, Tân Trào (Kiến Thụy), lấy con cậu ruột tôi. Y làm thủy thủ tàu viễn dương Công ty Vosco. Thời ấy, thủy thủ Vosco được coi như thượng đẳng thần, kỹ sư bác sĩ cũng chỉ xách dép cho họ. Khi cả xã hội, trong đó có nhiều giáo sư tiến sĩ “vua biết mặt chúa biết tên” gò lưng trên chiếc xe đạp thì các vị thần này thả sức lướt trên xe máy Nhật mới coóng, cúp 81 kim vàng giọt lệ. Mình vừa đạp vừa quệt mồ hôi vã ra, còn chúng nhẹ lướt qua, tiếng máy êm như ru, để lại làn khói xanh mỏng. Con gái nhà nào mà chớp được chàng viễn dương Vosco thì chả khác gì lấy được cả chục thằng A Phủ làm chồng.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Tiếng gà gáy

PHẠM QUANG LONG
Mới 26 tháng Chạp, anh bạn từ Hoà Bình đem xuống cho đôi gà sống ăn Tết. Đôi gà béo, khoẻ mạnh. Tự nhiên thấy thích, đem nuôi mà quên luôn nhiệm vụ chính của chúng là dùng vào những bữa cỗ Tết. 

Nửa đêm, đang ngồi làm việc chơt nghe tiếng gà gáy. Đầu tiên là một giọng đùng đục, trầm trầm, đúng là giọng thổ rồi tiếp theo là những tiếng trong và thanh hơn của giọng kim từ chính nhà mình. Rồi dồn dập hai ba giọng khác ở những nhà khác hoà theo. Như một làng quê vậy. Lại thấy bồi hồi nhớ những ngày xa lắc xa lơ về một làng quê nghèo khó mà thanh bình. Những kỉ niệm cũ từ ngày xưa sống lại, lúc rõ rệt, lúc mơ hồ nhưng cứ cồn cào.

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Đổi mới

Coi trên tivi (coi hoài, chết cái nết không chừa), mục Khởi nghiệp, thấy có ông GS Học viện chính trị quốc gia HCM trả lời nhà đài, ông nói về công lao, thành tựu của 30 năm đổi mới. Thôi thì đủ nhời hay ý đẹp, đại loại đất nước khi đang rơi vào khủng hoảng, bế tắc trầm trọng (ông ấy không nói do đứa nào gây ra, có lẽ do bọn dân đen chứ còn ai vào đây nữa), nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tư duy đổi mới của đảng mà đất nước đã phát triển vượt bậc, v..v...

Ông ấy nói về đổi mới, ông ấy là giáo sư, nhưng tôi nhìn cảnh quay thì biết họ chả đổi mới tí nào. Học viện chính trị quốc gia HCM là nơi ông ấy dạy, nơi đào tạo 100% cán bộ cấp cao cho xứ này, nhưng thượng ngất trên đỉnh ngôi nhà trụ sở học viện là dòng chữ "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại" (ảnh). Nhiều người biết câu này của 2 lão tiền bối K.Marx - Engels, sau đó lão trung bối Lênin bổ sung, nói ra trong hoàn cảnh vô sản và tư bản quyết sống mái, một mất một còn. Hơn thế kỷ đã trôi qua, thế giới đổi thay chóng mặt. Nay thì tượng ông Lênin trên chính quê ông ấy cũng bị giật đổ rồi, câu khẩu hiệu trên đã bị vứt vào sọt rác. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã thành thứ rác rưởi, nhắc đến nó chỉ gợi nhớ một thời mông muội.

Ông giáo sư kia ngày nào cũng bước qua cái cửa có dòng chữ ấy, hẳn không thể bảo không nhìn thấy, trừ trường hợp bị mù. Ông Tổng Trọng cũng từng là sếp nơi đây, còn lâu nay một năm ra vào đây cũng cả chục lần, không thể không nhìn thấy, trừ trường hợp bị mù. Để một câu rác rưởi, cổ hủ, bảo thủ, chình ình chướng mắt như thế tồn tại năm này qua năm khác mà cứ leo lẻo đổi mới, thật tình tôi không biết các ông đổi mới cái gì. Thà các ông bà cứ treo câu kinh điển "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của cụ Hồ thì nó đi một nhẽ.


Hãy đổi ngay cái đầu của các ông trước đi đã.


Vị nào muốn phản bác tôi, hãy trả lời ngay vào câu hỏi: Bây giờ vô sản các nước có cần liên hiệp lại không, liên hiệp để làm gì, chống ai?


Nguyễn Thông



Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Những vẻ đẹp

Ở Sài Gòn, đã từ lâu mọi người quen với hình ảnh thùng nước uống miễn phí bên đường dành cho người qua lại. Hớp nước cho người nghèo, người lỡ độ đường trong cái nắng phương Nam gay gắt thật quý biết bao.

Mấy hôm rồi, ai cũng cảm động khi báo chí đăng ảnh một nhà hảo tâm mua gạo ngon đóng thành bịch 5kg, xếp cả đống ven đường trước nhà, với tấm biển đề "Gạo từ thiện, mỗi người lấy một gói ăn tết". Tất nhiên không phải ai cũng tham lam ào vào lấy bởi những người khá giả, người chưa đến mức khó khăn đều hiểu rằng gạo này dành cho người nghèo. Không lấy gạo dành cho người khác, đó vừa là lòng tự trọng, vừa là nét văn hóa của người Sài Gòn.

Mấy hôm nay, người dân thành phố này đang truyền tai nhau, rồi kêu gọi trên mạng với thông điệp "mua hoa để giúp nông dân, giúp người trồng hoa", mục đích đừng để diễn ra cảnh hoa bị ế, bị rẻ thối phải đổ bỏ, để người bán hoa mau chóng hết hàng, được về nhà sớm lo tết với gia đình.

Những hành vi, việc làm thật cụ thể, thiết thực và tuyệt đẹp, rất nhân tình.

Chiều cuối năm (29 tết), 7.2.2016
Nguyễn Thông

Trước giao thừa, và ngày mùng 1 tết

1.Trước giao thừa

Đếm chi từng phút từng giờ
Điều đến sẽ đến, đừng chờ đừng mong
Đời người như có như không
Chuyển giao được mất giữa dòng hư vô.

 2.Ngày mùng 1 tết

Ông em Đoàn Quý, thư ký tòa soạn báo điện tử Một Thế Giới chiều qua 29 (30) tết biếu mình vò rượu ngâm táo mèo. Rượu ngon táo quý ngâm lâu, sánh như mật. Mình thí điểm cách ăn tết mới: Sáng sớm, cúng trời đất ông bà xong, mình rót ra uống thật say, chả còn biết quái gì nữa. Có lẽ trong mơ được gặp Hằng Nga trên cung Quảng Hàn. Giờ mới tỉnh, hết mùng 1. Cứ văng vẳng câu thơ thấy bảo là của cụ Hồ "Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ". (thì cuộc đời này cũng chả khác gì cái prison, các cụ nhỉ).

Kiểm tra điện thoại (và Facebook) có vài chục cuộc gọi nhỡ, tin nhắn, lời chúc thì vô vàn. Lão say xin thành thật mong được thứ lỗi, cảm ơn những lời chúc chữ và lời chúc nói (chưa thành). Chúc mọi người thêm năm mới đầm ấm, vui vẻ, an bình.

Ký tên: Thông (vẫn còn hơi say, rượu táo mèo hàng VN chất lượng cao).

Tối mùng 1 Tết Nguyên đán Bính Thân 2016
Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Thăng và Thưởng

    Chuyến bay bằng máy bay xịn Airbus A350 số hiệu VN227 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, với những cơ trưởng, cơ phó được chọn lọc kỹ, hạng siêu đẳng (cơ trưởng Nguyễn Nam Chi có hơn 11.300 giờ bay, cơ phó Nguyễn Hồng Hà gần 2.000 giờ bay) nhưng nửa tiếng sau khi cất cánh, bị trục trặc kỹ thuật phải vòng về nơi xuất phát - sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, những vị khách đặc biệt, được coi là trong top 20 của xứ này, trong đó có ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, vẫn đến nơi cần đến - sân bay Tân Sơn Nhất, tất nhiên là bằng chuyến bay khác, dù chậm trễ hơn so với kế hoạch.

    Có lẽ đó là kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ, không được vui lắm của ông Thăng trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, kể từ chiều nay 5.2.

    Tôi cho rằng, đã lâu lắm, và cũng rất hiếm hoi, mới thấy lại sự thận trọng kỹ lưỡng, một quyết định khá đúng đắn của đảng cầm quyền về công tác nhân sự, công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy của họ. Việc chọn ông Đinh La Thăng cầm đầu đảng bộ CS ở TP.HCM chứ không phải ông Võ Văn Thưởng, được xem là chính xác.

    Sau đại hội đảng 12, khi danh sách ủy viên Bộ Chính trị có tên ông Võ Văn Thưởng, hầu như đại đa số những người quan tâm đến thời cuộc, đời sống chính trị xứ này đều cho rằng chiếc ghế Bí thư thành phố đông dân nhất nước, quan trọng nhất nước, đầu tàu kinh tế của cả nước, chắc chắn phải thuộc về ông

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Tín hiệu

Đang có một thực tế hậu đại hội đảng: Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, rất nhiều bộ trưởng, chủ tịch tỉnh thành không phải là ủy viên trung ương, chỉ là đảng viên quèn, nhưng vẫn lãnh đạo được nhà nước, chỉ đạo được chính phủ, cầm đầu được các bộ, làm trùm các địa phương. 

Như vậy, điều đó chứng tỏ rằng không cần đảng, bộ máy vẫn hoạt động được.

Xưa nay vẫn nghe "đảng lãnh đạo toàn diện, đảng đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác", bây giờ những người lãnh đạo chỉ còn dính tí đảng viên, không trung ương trung iếc gì nữa, đảng thử buông hẳn xem họ có xoay xở, làm gì được không. Tôi tin họ vẫn làm được. Bằng chứng là... nhà Trần trước kia không có đảng mà vẫn lãnh đạo toàn dân 3 lần chống quân Nguyên thắng lợi oanh liệt, hì hì.

Cũng có thể đó là thử nghiệm bước đầu về việc tách đảng ra khỏi bộ máy nhà nước, các cụ nhỉ. Thế thì may quá.

Nguyễn Thông

Dành riêng cho đồng môn K.17: Tin buồn

Các bạn Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Thanh Hương (Hương con) vừa gần như cùng lúc nhắn tin cho mình, thông báo rằng:

Bố của bạn Nguyễn Thanh Đạm - bạn đồng môn khóa 17 1972-1976), Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội - vừa qua đời.
Lễ viếng sẽ từ 11 giờ 15 đến 13 giờ, thứ sáu ngày 5.2.2016 (tức ngày 27 tháng chạp, Ất Mùi) tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Bạn bè khóa 17 xin chân thành chia buồn cùng bạn Nguyễn Thanh Đạm và gia đình.

Đồng môn K.17
(Số điện thoại của bạn Nguyễn Thanh Đạm: 0904.375834)

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Chuyện hằng ngày (6): Xe và tài xế

-Ngày giáp tết, 23 tháng chạp, ông Táo chầu Giời, tôi đi Bảo Lộc. Đường Sài Gòn - Đà Lạt quốc lộ 1 và quốc lộ 20 "ngựa xe như nước áo quần như nêm". Tôi để ý thấy hầu hết xe chạy trên 2 đường cái quan này là xe có xuất xứ Hàn Quốc, đủ các hãng Hàn, cả xe khách lẫn xe tải chuyên dụng. Ngay nhà xe Thành Bưởi, hàng trăm chiếc xe khách xịn, đều xe Hyundai xứ Hàn, những xe do Trường Hải lắp ráp thì thực chất vẫn là xe Hàn. Nền công nghiệp ô tô Hàn Quốc đã thực sự thống trị giao thông ở VN. 

Vậy mà chỉ 40 năm trước, Nam Triều Tiên còn phải nhập khẩu ô tô từ Nam Việt Nam. Nói gì thì nói, xứ này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, giờ lại còn nhất quyết định hướng XHCN, có nghĩa là tự cài số de, chạy giật lùi so với các nước. Cả dân tộc khổ bởi những cái đầu ngu muội, bảo thủ nhưng cứ đòi vạch đường, chỉ lối.

-Năm 2012, được ngồi hầu bia danh sĩ Hải Phòng, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh. Nhân nói đến chuyện định hướng, bác Khánh cười phớ lớ, bảo: khổ nhất là các bố cứ thích cầm lái. Giá mà lái thạo, lại rành rẽ đường, thì cũng tạm cho là được đi. Chẳng hạn mấy anh em ta đòi đi Hà Nội, nói ông tài cho chúng tôi đi Hà Nội nhé, nhưng bố vòng vèo thế nào lại đưa tuột mẹ nó về Quảng Ninh. Thế nhưng cứ thích cầm lái. Khổ là khổ ở chỗ ấy. 


(tôi nói chuyện này có bà bạn Thuy Son Tran làm chứng, hôm đó bà ấy cứ cười như nắc nẻ).

2.2.2016
Nguyễn Thông

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Bạn tù

PHẠM NGỌC TIẾN (nhà văn)

Nhận được cuộc điện thoại lạ định không nghe nhưng thấy số đèm đẹp đoán chẳng phải là người khủng bố mình nên chặc lưỡi. Hóa ra là Nguyễn Hữu Khai. Giọng anh Khai tình cảm, Tiến ơi anh được ra rồi, bệnh tình em thế nào. Cảm động. Anh Khai ra tù câu đầu tiên là hỏi thăm bệnh của mình rồi anh bảo mới chế được bài thuốc chữa tiểu đường, hạ huyêt áp tốt lắm, tới anh chữa dứt đi. Nói thật dạo anh làm cái Bảo Long thời hoàng kim, anh chuyên chế cho mình thuốc bổ thận tráng dương để tăng sinh lý máu me là chính. Bảo anh lại cho em thuốc kia anh ơi. Em thích cái đó huyết áp tiểu đường kệ nó. Việc đi tù của anh mình mịt mùng chỉ mang máng biết dính đến nhà ông Bảo Sơn. Nhà ông này mình cũng không biết nhiều chỉ biết con gái ông có cái Thiên đường Bảo Sơn ly dị chồng rồi sao đó còn cho anh kia đi tù. Nguyễn Hữu Khai ra tù mất hết giờ thuê nhà ở một mình mở một phòng khám. Anh bảo dưới anh còn 20 đệ tử. Hy vọng anh lại hồi phục được cơ đồ. Đừng ham giầu ham danh nữa anh ạ. Đủ ăn đủ sống thôi.

Hôm nay (2.2) nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tag cái ảnh có mình ngày đón anh ra tù 8 năm trước. Thấy thương thương và giật mình, bỏ mẹ sao bạn mình nhiều người đi tù thế. 


Tù kinh tế có, mấy năm trước doanh nhân Ngô Đăng Khoa người có công giúp làm phim Ma Làng bị bắt khi phim đang quay. Giúp là vì ông này nhiệt tình mời phim về quay ở Hà Giang sau khi Tuyên Quang không cho quay trên địa bàn nhưng cũng may là đoàn phim không quay ở đó. Ông này giầu, có khu nước khoáng nóng ở Hà Giang chả hiểu làm ăn thế nào mà bị nạn. Tù mấy tháng, được tha thì ung thư chết. 

Tù chính trị có nhà văn Nguyễn Quang Lập. Chuyện chính trị thôi không bàn, phiền phức lắm. Công an bị tù thì có Dương Tự Trọng, Hải Phòng. Anh này tốt chuyên giúp làm phim hình sự. Người tốt, yêu thương người anh ruột nên mất hết vướng vòng lao lý. Mình rất phục anh này vì chỉ có người ra người mới dám hy sinh như thế. Khối kẻ hèn lừa thày phản bạn, ruột thịt cũng ngó lơ, loại người ấy có làm quan đến nhất phẩm cũng khinh. 

Ngót hai chục năm trước mình thân anh Hùng Tấn, nhà thơ. Anh cũng bị tù chung thân vì án kinh tế. Kể ra còn nhiều nữa. Lạ thật.

Lẩm cẩm kể ra vì trong số bạn thân của mình hiện nay nhìn ra có không ít người xem ra có nguy cơ tù. Họ là văn sĩ, chính khách, nhà báo, doanh nhân... Viết thế này đúng là chẳng giống ai nhưng ý mình mong muốn là các bạn đừng giận có thể mình sẽ phải hít le các bạn vì thật sự không muốn ai phải đi tù. Vì rõ ràng mình cứ chơi thân với ai là người ấy có rất nhiều khả năng phải nhập khám. Hít le không chơi nữa nhé. Khekhe....


(Ngày Nguyễn Việt Chiến ra tù. Cùng các bạn văn, bạn báo).


Phạm Ngọc Tiến
(theo Facebook Phạm Ngọc Tiến, https://www.facebook.com/ngoctien.pham.37?fref=nf

Chuyện hằng ngày (5): Lừa nhau

Một trong những món hàng bán chạy ngày tết là giỏ quà tết đóng gói sẵn. Đủ kiểu, đủ mức, từ vài trăm đến vài triệu đồng, trong chứa bánh kẹo, rượu, trà, cà phê, sô cô la, mứt... Đóng trong các kiểu giỏ, bọc kín bên ngoài bằng ni lông trong suốt, nhìn rõ mồn một từng thứ bên trong. Chỉ có điều không có bất cứ thông tin gì về nhà sản xuất (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại). Người ta mua biếu nhau cho nó tiện, có khi còn sang nữa.

Con gái tôi dạy học, cháu được phụ huynh chúc tết giỏ quà cực đẹp, sang. Nhìn thì biết đây là giỏ quà đóng gói sẵn chứ không phải phụ huynh mua, tự làm. Nhưng tôi nghi nghi. Tại sao lại cùng bánh hộp Danisa mà trong cùng giỏ có những 2 hộp khác nhau, một tròn bằng sắt, một vuông bằng giấy. Tôi mở xem, thì ra họ (người bán, đóng gói) cố ý lấy hộp bánh sắt ra khỏi hộp giấy, sau đó để tách riêng trong giỏ quà và bao lại, người mua không thể kiểm tra bởi giỏ quà đã bị bọc kín, cứ nghĩ có 2 hộp bánh. Bỏ tiền mua 2 nhưng thực chất chỉ có một. Lại nhớ hồi những năm 80-90 người ta còn độn cả cỏ, giấy vụn dưới những giỏ quà để trông vào thấy nhiều hơn. Suốt bao nhiêu năm, vẫn chả thay đổi gì thói làm ăn gian dối như vậy.


Có người giải thích rằng người ta tách ra thế để bao gói có vẻ đầy, đẹp chứ thực ra họ vẫn tính 1 đơn vị hàng thôi, có list hàng cơ mà. Xin thưa, list ấy (nếu có) thì người mua biết chứ người nhận đâu biết. Tôi phản đối chuyện tách ra cho giỏ đầy (dù chỉ tính một chứ không phải 2). Có bao nhiêu gói bấy nhiêu, sao lại phải đầy kiểu lừa nhau như thế. Hoặc người bán lừa người mua, hoặc người mua lừa người nhận. Tôi không thích kiểu giả dối, hình thức như vậy.

Thói gian dối (ở đây tôi c
hỉ đề cập đến trong kinh doanh) cực kỳ tai hại, làm con người mất lòng tin, không tin nhau, gây nghi ngờ, làm khổ cả người biếu lẫn người tặng. Với những món đồ như thế mà người ta còn nỡ lừa người tiêu dùng thì quả thật thời đại hoàng kim chỉ biết có tiền.


Tôi nói ra điều này để bà con cảnh giác. Nhìn những giỏ quà có 2 món cùng hiệu như vậy là chạy ngay.


1.2.2016
Nguyễn Thông