Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Lý sinh sự trong vụ nhà báo bị công an 'gạt tay' chảy máu mồm

Tôi nói thêm về phóng viên Trần Quang Thế, người bị công an cho ăn đấm hộc máu mồm.

-Nó hành nghề viết lách, chuyên viết bài cho tờ báo mà nó được trả lương, không gọi nó là nhà báo thì gọi nó là gì.

-Nhà báo không hẳn cứ phải là những người có thẻ do Bộ 4T cấp. Theo quy định do chính các vị ấy đặt ra, phải được cơ quan báo chí nhà nước tuyển dụng, ký hợp đồng, có 3 năm hành nghề trở lên mới được cấp thẻ nhà báo. Vậy trong thời gian 3 năm đó, không gọi nó là nhà báo thì là gì, con chó chắc.

-Nó đi làm nhiệm vụ do tòa soạn, do ban biên tập phân công, đó cũng là thi hành công vụ. Nó đi tán gái thì mới là việc riêng, còn đi lấy thông tin theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan nhà nước thì phải gọi là công vụ. Công vụ đâu chỉ công an làm nhiệm vụ mới là công vụ. Mấy ông công an làm công vụ đậu xe ô tô chình ình trên cầu thì được, còn nó chạy gấp đến tạm bỏ cái xe máy đó để làm công vụ thì bắt lỗi nó. Phải bình đẳng. Đừng có mượn con ma chế độ để nhát người khác nhé.

-Bắt lỗi rồi phạt nó "tội" chửi người thi hành công vụ. Trong video clip hoàn toàn không nghe được câu chửi. Nhưng giả dụ có chửi thì cũng không phải chửi người thi hành công vụ bởi mấy ông quần jean áo pull ăn mặc lôi thôi thế, ai biết các ông có phải là công an hay không. Cứ mặc quần áo cho đàng hoàng vào, ai thèm chửi. Thế mà cũng cố quy thành lỗi để phạt. Chỉ những kẻ đuối lý, ỷ vào quyền lực mới làm vậy.

-Chú Thế, anh bảo thật, không có lỗi thì đừng nhận lỗi, đừng hèn. Không làm việc này thì làm việc khác, hai tay vày lỗ miệng, rồi cũng sống được, để còn đứng thẳng trong đời. Cái báo của chú nó đã nhu nhược thế, chú đừng có nấn ná tiếc nuối gì.

Nguyễn Thông

Vụ kiện Formosa và tư pháp

HUY ĐỨC (nhà báo)
Tòa án Kỳ Anh nhận đơn kiện Formosa và báo nhà nước đưa tin là một động thái tích cực. Nếu chính quyền thụ lý tốt vụ kiện này nhằm tạo ra một "án lệ" thì coi như đã khởi đầu cho một lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu coi đây chỉ là giải pháp "chiến thuật" thì sẽ như đang cài kíp vào những trái bom nổ chậm.

Khi thu thập đủ bằng chứng, buộc Formosa nhận tội và đòi được khoản bồi thường 500 triệu USD, có lẽ các quan chức chính phủ cũng hí hửng như khi Ronaldo lập hattrick, đưa Bồ Đào Nha tới EURO 2016. Và, có lẽ họ đã rất chưng hửng khi ngước lên thay vì thấy khán giả reo hò thì lại có rất nhiều người la ó.

Trong vụ Formosa, người dân cũng muốn dõi mắt theo các đường banh, hồi hộp, xuýt xoa, la hét... Nhưng họ gần như đã bị đặt ra ngoài "sân vận động" ngay cả khi trở thành nạn nhân. Hành động dân chúng kéo nhau lên tòa nhắc nhở rằng, vai trò của chính phủ là kiến tạo trận cầu chứ không phải tự mình sút vào lưới hay âm thầm dàn xếp tỉ số.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Nhóm lợi ích quân đội và bi kịch Tân Sơn Nhất

PHẠM CHÍ DŨNG (nhà báo)

“Sân bơi Tân Sơn Nhất”

Tương tự tình trạng “ngập” của đảng cầm quyền từ năm 2012 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang ở vào thời kỳ bi kịch sắp tới điểm cuối của nó.

Năm 2016, sân bay này đã chính thức được dân gian đặt tên “sân bơi Tân Sơn Nhất.” Nếu những năm trước sân bay này còn chưa bị ngập sau những trận mưa lớn, thì vào năm nay chỉ sau một trận mưa khoảng 150 mm, Tân Sơn Nhất đã biến thành một biển nước mênh mông.

Mới đầu, giới lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất còn phủ nhận về tình trạng nước ngập bao la, nhưng sau đó đã phải thừa nhận trước những tấm ảnh mang tính bằng chứng không thể chối cãi.

Thậm chí một thứ trưởng giao thông vận tải chủ quản của sân bay Tân Sơn Nhất – ông Nguyễn Nhật – còn thừa nhận rằng trong chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM hôm 11 tháng 9, 2016, ông cùng hơn 200 hành khách đã phải bay vòng trên trời hơn 40 phút do trời mưa to do sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập nặng khiến máy bay không thể hạ cánh được.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Dân Nghệ An - Hà Tĩnh kiện Formosa: Xứng danh anh hùng

BÁ TÂN (nhà báo)
Cách đây hơn 85 năm, nhân dân Nghệ Tĩnh vùng lên tạo ra phong trào Xô viết đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Người dân rầm rập xuống đường, vai kề vai đối đầu bộ máy cai trị với tinh thần “bên kia đạn sắt, bên ta gan vàng”.

Hiện thời, tại nhiều nơi trên đất Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn còn sừng sững những di tích Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Hàng chục năm trước đây, khi cả nước đang là “đứa bé ngoan” cam chịu sự gông xiềng kìm nén của chế độ, người dân huyện Nam Đàn đã hiên ngang kéo lên huyện lỵ đòi dân chủ và vạch mặt bọn quan tham. Đoàn biểu tình đi bộ nhiều cây số, mang theo biểu ngữ “Đả đảo bọn tham nhũng”, "Đánh đuổi bọn lạm dụng chức quyền”…

Số phận quảng cáo

Đã gần 2 năm nay, tôi không mua báo in nữa. Trước cứ sáng sáng trên đường đi làm ghé qua sạp báo gần nhà của ông giáo về hưu nhặt 2 tờ Tuổi TrẻTiền Phong, còn báo Thanh Niên thì bởi báo nhà, có sẵn tiêu chuẩn rồi nên cộng thêm tờ “nhà” nữa là 3. Nay thì tịt hẳn, cả “không nhà” lẫn “nhà”. Nhiều lý do.

Điều quyết định đầu tiên là tiền, tiền đâu. Nghỉ làm thì cũng nghỉ tiền. Hồi đi làm, có đồng tiền rủng rỉnh trong túi, mua tờ báo chả là cái đinh gì, thậm chí còn hơi vênh váo rằng ta đây có văn hóa, thuộc thứ hạng thế nào đó trong xã hội. Cứ tự đánh lừa mình thế thôi chứ ở đất Sài Gòn này ngay cả hàng tôm hàng cá, xích lô, xe ôm vẫn chăm say đọc báo như ai. Nghỉ làm ít tiền, phải nghĩ ngay đến khoản chi cho báo. Ăn uống mà còn bớt được, thì bớt đọc báo là đúng quá rồi. Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên… không thay được cơm.

Những ngày đầu, đi qua sạp báo cứ thèn thẹn, ngoảnh ra chỗ khác, sau ông cụ bán báo phát hiện được. Cụ bảo, chú nghỉ rồi hả, thấy không mua báo nữa tôi biết ngay. Cụ còn kể, ai cũng thế, chả phải mình chú, thẹn cái gì, nhưng chú ạ, dạo ni khó bán lắm, lấy mỗi thứ chục tờ vẫn ế rài ế rạc. Bọn trẻ chả đứa nào mua. Chắc tôi nghỉ.

Cây xoài phố

Nhà phố bên kia đường trước nhà tôi trồng một cây xoài, giống xoài Đài Loan. Quả to, trái sai, lúc lỉu như đám lợn con trên cành xanh, trông thật vui mắt.

Có nhẽ khí hậu đất phương nam thích hợp nên mỗi năm cây 2 lần kết hoa đậu quả, tháng 3 và tháng 8 tây, chả như đất Hải Phòng quê tôi cây ăn quả chỉ mỗi năm một vụ. Cứ bất giác thấy bông xoài trổ ra trắng ngà vươn khỏi đám lá xanh, lại nghĩ vẩn vơ cái đồng hồ sinh học này báo cho mình biết có thêm một nửa năm tuột khỏi đời mình. Cười nghĩ thầm đời mình được tính đếm bằng vụ xoài chứ không phải tháng này năm nọ.

Lúc nhà bên ấy trồng, tôi bảo trồng cây ăn trái ven đường, nhất là ở thành phố xứ ta, chẳng dễ ăn đâu, mà có khi rước thêm sự bực vào mình. Anh chủ, nay đã mất rồi, cười bảo đứa cháu ở quê lên chơi đem cho, không trồng ở đấy cũng chả biết giấm vào đâu, vả lại có cái lỗ sẵn rồi, trước định giồng cây bàng, sau nghe nói bàng ra trái nhiều rụng bẩn lắm, chỉ tổ dọn vất vả, nên thôi.

Kỳ này, xoài phố nhiều quả lắm. Vụ trước thất mùa nên vụ này ông giời bù lại. Thiên nhiên cứ thường công bằng như thế. Quả bám đầy cây, sà cả xuống phố. Lúc chúng còn nhỏ, người đi qua đi lại nhìn ngắm tấm tắc. Khi da chúng ửng hồng, trái xoài Đài Loan màu vỏ thật bắt mắt, hóa ra sinh chuyện.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Thời sự 27.9

-Lúc sáng nay (giờ VN), hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đang tranh luận trực tiếp công khai trước cả trăm triệu cử tri Mỹ và hàng tỉ người chứng kiến trên thế giới. Đó không phải là 2 cá nhân mà là đường lối, chính sách của đảng sẽ cầm quyền. Ai hay hơn, tốt hơn, được lòng dân hơn thì người đó sẽ thắng, đảng đó sẽ thắng. Điều tuyệt vời là nhân dân được chọn thứ mình thích chứ không bị ép buộc.

-Với một trận mưa chưa từng thấy như chiều tối qua, sự ngập lụt là điều không tránh khỏi, dù đó là Sài Gòn hay TP.HCM, cho nên cũng đừng trách đảng thế này thế nọ. Nhưng phát triển đô thị theo cái kiểu chỉ cốt xây dựng lấy được, ăn xổi ở thì, mà không cần bài bản lâu dài thì tất nhiên nhân nào quả ấy, nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính.


-Việc công an đã tóm nhanh được kẻ giết người trong vụ thảm sát man rợ ở Quảng Ninh rất đáng ghi nhận và khen ngợi. Báo chí đừng nên cho rằng do nó nghiện ma túy nên nó bị ảo giác, gây ra tội ác. Con dao bầu nó đem theo chả có gì liên quan đến ảo giác ma túy cả. Nó có ý định giết người ngay từ đầu. Tuy nhiên, ma túy thực là kinh khủng, hủy hoại biết bao nhiêu con người, biến thành con thú tàn ác. Vì vậy, dù cái ông tổng thống Durterte của Philippines có những này nọ khiến người ta chê trách nhưng tôi cho rằng thái độ không đội trời chung với tội phạm ma túy của ông ấy là cực kỳ nhân đạo.


-Nhiều cao ốc, trung tâm hoành tráng ở TP.HCM có tầng hầm. Mưa chiều qua là tấn bi kịch với các hầm khi chủ nhà không chống đỡ nổi ông trời. Báo chí nên khai thác vào chỗ này, ối điều hay, chứ đâu phải chỉ nhà tỉ tỉ của Đàm Vĩnh Hưng bị ngập, nhà chọc trời Bitexco bị dột mới đáng nói.


Nguyễn Thông


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Thanh hay Thăng

HUY ĐỨC (nhà báo)
Cho đến trước khi bị C46 triệu ra Hà Nội, Vũ Đức Thuận vẫn nương náu trong biệt thự Trần Quốc Thảo. Rất lạ là báo chí chỉ đặt câu hỏi, ai đã "làm công tác cán bộ" cho Trịnh Xuân Thanh mà không nói gì về "quy trình" Đinh La Thăng dàn xếp cho đồng phạm của Thanh, Vũ Đức Thuận. Vì sao Thuận, một kẻ mà dấu hiệu phạm tội đã rõ từ năm 2013, vẫn được Đinh La Thăng đưa về làm Chánh văn phòng Bộ Giao thông, rồi kéo vào Sài Gòn làm trợ lý.
Đàn em
Xây lắp là ngành mà Đinh La Thăng nắm gần như ngay lập tức sau khi về làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí (PVN), 10-2006, và biến nó trở thành một thứ công ty xây dựng như thời Sông Đà.
Thoạt đầu, người được Đinh La Thăng đưa về làm Tổng giám đốc công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là "Diệu Đen" - đồng hương Nam Định, từng làm ở Sông Đà - thay thế "Hưng Địa Chủ", một người được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành.
Nhưng, ở thời điểm ấy PVN đang có trong tay một lượng vốn khổng lồ. Một người giỏi điếu đóm không thể triển khai bài toán lớn để "giải ngân" từng ấy tiền bạc. Năm 2007, Đinh La Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Sông Hồng về thay thế "Diệu Đen" làm Chủ tịch kiêm TGĐ PVC. Năm 2008, khi Thuận gặp khó khăn ở Sudico (Sông Đà), Thăng lại đưa về làm phó rồi năm sau lên TGĐ.
Dự án
Ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh (2007) và Vũ Đức Thuận (2008) kiểm soát được PVC, Đinh La Thăng bắt đầu sử dụng hàng chục nghìn tỷ của PVN ồ ạt đầu tư cho các dự án: từ nhiệt điện, sợi polyester, ethanol... đến sân golf, khách sạn, văn phòng, trụ sở... Rất nhiều công trình được quyết định đầu tư vội vã, bất chấp pháp luật.

Hôm nay đánh nhà báo chảy máu mồm, ngày mai đánh người khác thế nào?

NAM PHONG (nhà báo)

Thưa Bộ trưởng Bộ Công an, thượng tướng Tô Lâm, chắc Bộ trưởng đã nghe báo cáo về vụ nhà báo bị công an đánh mắng trên cầu Nhật Tân hôm 23.9. Dư luận đã đặt câu hỏi: nay đánh phóng viên chảy máu mồm, ngày mai đánh người khác thế nào?

Lực lượng công an (CA) xưa nay vẫn luôn được tôn trọng bởi vai trò gìn giữ trật tự, an ninh trong xã hội, giữ gìn cuộc sống yên bình cho nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ CAND thời gian qua đã và đang được lực lượng các cấp ra sức xây dựng với biết bao chiến công hiển hách, với biết bao hy sinh, bao gương điển hình, biết bao nghĩa cử cao đẹp được dư luận tán dương.

Thế nhưng, đáng buồn thay, cũng như bao ngành nghề khác, trong lực lượng CA cũng tồn tại những con sâu đang quệt những vết than đen lên bộ mặt của ngành.
Pháp luật đã quy định rất rõ, bất kể là ai, vai trò gì đều không có quyền đánh đập hành hung người khác, quyền bất khả xâm phạm về thân thể đã được hiến định.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xâm phạm tới phóng viên. Đáng nói và đáng buồn hơn, là những hành vi vi phạm pháp luật đó lại được chính những người thực thi pháp luật - những con người hiểu biết pháp luật thực hiện.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Oan sai

Xứ này đã từng um lên về nhiều vụ oan sai, mà gần đây nhất là vụ ông Chấn Bắc Giang và ông Nén Bình Thuận. Những oan sai ấy được gỡ bỏ không phải là nhờ pháp luật công minh mà nhờ chính người nhà nạn nhân kiên trì theo đuổi đòi công lý cho thân nhân mình.

Tôi không có ý coi nhẹ vụ oan sai nào, ai bị oan sai cũng khổ. Nhưng xã hội đang khá nông nổi với tình trạng này. Những oan sai của ông Chấn, ông Nén thông thường chỉ ảnh hưởng tới một cá nhân, vài cá nhân, hoặc rộnghơn là một gia đình, dòng họ; còn có những vụ oan sai khác, thì khi hiểu lướt qua tưởng chỉ gây hậu quả cho một người cụ thể nào đó, nhưng thực chất là thiệt thòi của cả cộng đồng, thậm chí cả dân tộc.

Những án oan sai áp lên ông Vươn Tiên Lãng, ông Cù Huy Hà Vũ, ông Trương Duy Nhất, ông Hải Điếu Cày, và gần đây nhất là ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh chính là dạng oan sai thứ 2. Họ bị án tù, đồng nghĩa với việc những khát vọng chính đáng của số đông, của nhân dân về dân chủ, tự do, quyền con người bị dập tắt, vùi dập.

Dường như ngay cả nhà cai trị lẫn người dân đều vẫn chưa rút được bao nhiêu kinh nghiệm sau những vụ oan sai "lừng lẫy" như Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Xét lại chống đảng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ... những năm trước kia. Lịch sử oan sai cứ lặp đi lặp lại.

Buồn ở chỗ, dư luận thường chỉ quan tâm đến dạng oan sai thứ nhất mà không dám bày tỏ gì về dạng thứ 2.

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Công an và nhà báo

Trong chế độ xã hội này, cả công an và nhà báo đều là công cụ phục vụ cho lực lượng cai trị. Chỉ khác chút ít ở chỗ vẫn còn một số tờ báo, nhà báo dám lên tiếng phản ánh sự thực, đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng. Nhưng cũng chính vì thế mà họ trở thành "thế lực thù địch" với công an.

Vụ phóng viên báo Tuổi Trẻ bị những công an mặc thường phục đá song phi, thoi chảy máu mồm khi đang tác nghiệp hợp pháp sáng 23.9 trên cầu Nhật Tân (Hà Nội) nói lên điều gì?

Xã hội này là xã hội công an trị. Công an có thể làm tất cả những điều họ muốn, kể cả việc đánh người, bắt người bất chấp pháp luật.

Theo tôi, ngoài những vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia hoặc cần giữ bí mật về người tham gia điều tra, còn lại những án kiểu như nói trên công an tham gia bắt buộc phải mặc sắc phục ngành, phù hiệu đàng hoàng, chứ đâu có cái thói quần jean áo pull rồi lao vào đánh người ta. Lỡ người ta chết thì lại quanh co chối bảo đó là quân côn đồ, đối tượng xã hội ở đâu chứ không phải trong ngành. Còn nếu các vị ấy bị dân chúng có võ nó uất ức vùng lên đánh lại thì nhà cầm quyền lại lớn tiếng quy kết họ chống người thi hành công vụ (nó biết đéo đâu là công vụ).

Mà tôi bảo thật, cứ kiểu ăn mặc ấy mà đánh càn, gặp đám dân đầu bò đầu bướu, nó chẳng cần biết là ai nó đập cho thì bỏ mẹ, chứ mặc quần áo công an may ra nó còn né cho.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Viết cho Nguyễn Hữu Vinh

PHẠM XUÂN NGUYÊN (nhà văn, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội)

Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin

Giữa thời nhũng loạn niềm tin
Anh đưa ra một hướng nhìn hướng nghe
Giữa thời thật giả bạn bè
Dân quyền anh muốn vỉa hè lạ quen
Giữa thời hỗn độn trắng đen
Anh ngồi chép sử trước đèn Việt Nam

Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin

Phạm Xuân Nguyên
Sài Gòn 23h43, 23/3/2016
Ngày xử án sơ thẩm Ba Sàm.
(theo Facebook Phạm Xuân Nguyên, https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1215084225214977&set=a.531204876936252.1073741828.100001402346694&type=3&theater)

Khoán xe công

Dư luận xã hội, báo chí, thậm chí cả mấy vị trong thường vụ quốc hội, đang ì xèo bàn chuyện khoán xe công. Nghe ra thì có vẻ đổi mới, tiến bộ nhưng thực chất cũng là chuyện tào lao. Vì sao?

Trước hết, làm cán bộ lãnh đạo hay làm công nhân viên chức thì cũng là tham gia vào guồng máy xã hội. Đi làm việc công thì được trả lương, chức to cấp to lương cao, chức nhỏ cấp nhỏ lương thấp. Vua hay ông gác cổng cũng phải theo nguyên tắc ấy. Lương cao hoặc thấp chính là cái chỉ số để đánh giá địa vị, sự đóng góp, công sức phải bỏ ra của từng người. Đồng lương đó để nhằm chi phí cho toàn bộ hoạt động của người nhận lương.

Mấy ông bà lãnh đạo đã được hơn người khác sự danh giá, uy quyền, sự nể trọng, hơn người cái oai cái sĩ, đó là chưa kể ghế ấy chức ấy thường thu nhiều bổng lộc, của cải chạy chọt, cổng sau, hối lộ..., vậy mà còn đòi thêm đặc quyền đặc lợi, không biết ngượng.

Đòi được xài xe công miễn phí, hoặc đòi được tiền khoán xe công, nói cho cùng cũng là một dạng tham nhũng. Không thể chấp nhận được.

Ông bà nào đó làm chủ tịch nước, làm thủ tướng chẳng hạn, cứ cho mức lương cao nhất nước (được quốc hội chấp nhận, nhân dân đồng ý), lấy tiền đó mà chi tiền xe cộ đi lại, không tự lái thì thuê người lái, tự đổ xăng, tự trả tiền sửa chữa hỏng hóc. Không chịu thế, không đồng ý thì xê ra tránh ra, để người khác làm. Đầy người tài đang xếp hàng dài như dãy Trường Sơn để được cống hiến kia kìa.

Các ông bà đòi xe riêng, tài xế riêng, đòi tiền khoán xe bởi các ông bà tự cho mình là quan, là ông trời, coi những người lao động khác là mạt hạng, chả ra gì, không có quyền phung phí xe cộ như các vị. Xin nhắc, quan cũng chỉ là người lao động, chứ không phải thánh thần nhé. Các ông bà đòi, người ta không có quyền đòi chắc. Nhưng người ta không đòi bởi có lòng tự trọng, có phẩm chất của con người.

Còn những ông bà thuộc tổ chức đoàn thể, dù là tổng bí thư đi chăng nữa, cũng là của riêng cái tổ chức đoàn thể chính trị ấy thôi, tự lo chi phí để tồn tại, cứ bú mãi vào bầu vú ngân sách teo tóp, không biết ngượng. Đã đòi lãnh đạo toàn diện, cầm quyền, lại còn đòi ăn tiền nữa. Kinh.

Nguyễn Thông
24.9.2016

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Chuyện với người cha của Trịnh Xuân Thanh

XUÂN BA
Không gian trước chùa như phóng khoáng thoáng đãng trong nắng với gió thu Hà thành. Nên từ xa, cái dáng ông lâu ngày chưa gặp lại trên cái chiếc cúp cũ mèm rất dễ nhận ra. Mà hình như khác? Khác là cái cúp 92 thuở nào mà tôi vẫn gặp ông cưỡi hồi là Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương và cả khi là Phó ban Dân vận nay được thay bằng thứ xe khác ngó xuôn gọn hơn. Vẫn cái dáng manh mảnh lòng khòng và may chưa dính bụng bự. Khác chăng là ông nuôi râu lẫn ria. Đã trắng phớ cả. Xem nào năm nay ông sắp tám mươi, hình như bảy tám bảy chín?

Thay vì ghé vào một quán cà phê gần đó, tự dưng tôi ngỏ là nên vào chùa? Ông cũng vui vẻ chiều.

Để tĩnh tâm cho ông. Và cho nhau? Tôi cũng chả biết nữa. Nhưng mấy khi như sớm thu này được sải những bước chầm chậm bên một vị vong niên như một thứ cố nhân cũng là cái việc đường được? Vong niên là mối quan hệ của người nhiều tuổi chơi với người ít tuổi. Gọi là đường được chứ không dám và rành rẽ là thú vị bởi cái người bên tôi đây, vẻ ngoài bình lặng cùng cái cười như cố hữu ấy dám chắc chả nhiều thì ít đang chất chồng nhưng giông bão này khác trong lòng? 

Tác giả Xuân Ba và ông Trịnh Xuân Giới (phải)

Cũng lạ là chúng tôi diễu suốt từ cổng chùa đến gian tam bảo rồi nhà tổ quành ra chỗ bình phong nghi môn ngay sát mí nước Tây Hồ, khách vãn chùa sáng thu nay cũng lắm, chùa lại gần nhà ông thế mà hình như chả có ai nhận ra cái người trông cao lão râu ria bạc trắng kia là thân phụ của một người tên là Trịnh Xuân Thanh tâm điểm mấy ngày nay của bão dư luận?

Cấm xe, công an lý sự, thuyết âm mưu

-Nhất trí việc Hà Nội cấm xe ngoại tỉnh. Cứ cấm tiệt. Cả 63 tỉnh thành đều cấm. Mà cấm máy bay luôn. Không cho đứa nào từ Hà Nội bay vào Sài Gòn, vào Huế... Muốn vào thì cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Cả nước thành 63 công quốc, có 63 chính phủ, sang "nước" nhau phải xin visa đàng hoàng. Ở Sài Gòn đi tắm biển Vũng Tàu phải xin thị thực của đại sứ Vũng Tàu ở Sài Gòn, muốn ở lại 1 tuần tắm cho đã thì phải gia hạn visa hoặc xin cấp thẻ xanh; muốn đi qua địa phận "nước" Đồng Nai phải được phép của chính phủ Đồng Nai, về Sài Gòn phải làm thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu cầu Rạch Chiếc. Cứ thế, quá hay, hết kẹt xe, văn minh lịch sự.
Nếu phương thức này có hiệu quả, thì cấm tiếp đến cấp quận huyện, phường xã, thậm chí làng xóm, kiểu trai làng cấm vận không cho tán gái làng mình hồi nào. Tha hồ vui. Cả nước làm cán bộ. Ai cũng có quyền cấm, tuyển dụng con cháu vào đội ngũ thỏa thích.

-Vụ 3 sĩ quan công an ở Quảng Ninh đánh nhau, buồn cười nhất là ông Phó trưởng công an TP.Hạ Long - bố của 2 đương sự trong vụ việc, bảo lúc đầu không biết là công an nên xảy ra chuyện đáng tiếc. Ơ, thế công an thì tha nhau, còn dân thì sẽ đánh hộc máu mồm ra à.
Lại còn ông công an em bảo khi thấy công an anh bị ép xe thì chỉ lo anh ngã bởi anh đã từng bị tai nạn giao thông từng phải mổ, yếu lắm, nếu ngã rất nguy hiểm. Ối giời, yếu đến mức hai anh em ông ấy phối hợp tẩn cho một ông đồng đội lên bờ xuống ruộng phải đi nằm viện.
Còn cái ông bị đánh nữa, cũng cứ nghĩ ta đây là công an, hai thằng kia chỉ là dân nên định dạy cho chúng một bài học, nào dè đồng chí chúng nó cũng có võ (công an ai chẳng có võ) nó dạy lại.
Nói chung, hệt như xảy ra ở làng Vũ Đại. May mà không có ông bà dân nào trong vụ này.

- Cũng chuyện công an. Đọc báo, thấy lãnh đạo công an quận 3 (TP.HCM) nói quấy quá bao che cho lỗi của CSGT xử lý vụ xe biển xanh đi ngược chiều trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khó ngửi.
Ngay chú CSGT cũng rất vớ vẩn, lý sự rằng để tránh căng thẳng ùn tắc nên phải cho cái xe ngược chiều nó đi tiếp. Đèo mẹ, nó càng đi càng căng thẳng, càng nguy hiểm chứ ở đó mà tránh. Rất vớ vẩn.

-Thực ra tôi cũng chẳng biết gì, chỉ nghe hơi bắc nồi chõ, sang khoe với lão Maddox rằng có nhẽ ông Trịnh Xuân Thanh, con của cụ Trịnh Xuân Giới, mà cụ Giới nguyên là Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, là bạn của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ấy, cứ lòng thòng thế bởi có lý do), đã đi nước ngoài.
Maddox cười bảo, cũng có thể ông Thanh trốn, nhưng biết đâu ông ấy đi công tác thì sao. Công an họ cài người sang châu Âu, hoặc sang Canada thì sao, để giác ngộ quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội bên đó. Ta xây xong thì phải xây tiếp chỗ khác chứ. Nếu cử người sang theo cách bình thường thì nó đuổi về, chi bằng phải dùng khổ nhục kế, đánh người sang, như kiểu Chu Du đánh Hoàng Cái sang trại Tào Tháo vậy. Ông Thanh lý lịch như thế mới đủ tin cậy, tránh được đạn bọc đường.
Tôi bảo bác nghi thế tội cho người ta, lỡ ông Thanh bị bên kia nó ngờ, nó đuổi về có chết người ta không. Maddox cười, đã đành "binh bất yếm trá" (việc binh cho phép lừa dối) nhưng khổ nỗi CS lừa dối vậy nhiều rồi nên điều gì cũng có thể xảy ra.
Maddox giận tôi nên chả thèm đun nước pha trà nữa, để tôi ngồi suông đó với thuyết âm mưu của lão.

Nguyễn Thông






Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Không biết sợ là gì

Khó mà kìm cơn giận trước hành vi ngạo ngược của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi họ cố tình xả thải hơn 42.000m3 nước có hóa chất độc hại ra biển. Nếu không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời thì hàng chục ngàn mét khối nước thải độc nữa sẽ tiếp tục được họ lén hòa vào biển. Thật đáng sợ.

Giả dụ có cuộc bình chọn nhà vô địch liều hủy hoại môi trường năm nay, có lẽ Formosa sẽ đứng bục cao nhất, nhưng đó là về quy mô, chứ nếu ở góc độ coi trời bằng vung, nhắm mắt làm liều thì Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn dễ giật ngôi số 1. Vì sao?

Suốt gần 1 năm nay, môi trường là vấn đề nóng nhất ở nước ta, trên mọi diễn đàn xã hội. Từ nghị trường quốc hội tới vỉa hè đều bàn về môi trường, sự ô nhiễm môi trường, những nguy cơ hủy hoại môi trường - hủy hoại cuộc sống. Từ những nhà lãnh đạo cấp cao nhất tới người dân thường đều giác ngộ rằng bảo vệ môi trường là mệnh lệnh sống còn, liên quan đến an nguy của quốc gia, của dân tộc, của cộng đồng. Hủy hoại môi trường là hành vi tự sát. Đã qua rồi cái thời tự hào về những ống khói nhà máy cao vút ngút trời khói tỏa bởi phát triển kiểu như thế thì lợi một trước mắt nhưng hại vô vàn về sau. Giờ đây chỉ có con đường duy nhất: phát triển phải đi với bền vững, an toàn cho mai sau.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Dành cho khóa K.17 Văn khoa: Về việc hội lớp

Anh Lê Tài Thuận thay mặt Ban Tổ chức vừa mail cho mình vài ý kiến sau đây, xin thông báo lại với cả nhà:

"Về việc tổ chức Hội lớp, qua nhiều ý kiến góp ý, xin gút lại như sau:
-Đa số tán thành tổ chức Hội lớp nhân dịp 40 năm ra trường tại Hà Nội.
-Thời gian nên tổ chức liền kề với ngày Hội khoa: 19/11/2016-kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Ngữ văn, trường ĐHTH Hà Nội. Một số người đề nghị tổ chức Hội lớp vào 2 ngày 17 - 18/11/2016.
-Mở rộng thành tổ chức Hội khóa 17, mời lớp Ngữ và lớp Hán-Nôm tham gia. Đã nhận được ỵ kiến nhất trí của A. Vũ Đức Nghiệu đại diện lớp Ngữ, hiện chưa liên lạc được với các bạn lớp Hán-Nôm.
-Xây dựng kế hoạch chi tiết về chương trình, nội dung, địa điểm sinh hoạt, lộ trình tham quan, đón tiếp các bạn ở xa về, tham khảo chương trình Hội khoa để có sự phối hợp (nếu được).
-Đầu tháng 10/2016 sẽ thông báo chính thức.
Đềnghị mọi người cho ý kiến.
Chân thành cảm ơn.
Lê Tài Thuận.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

Chở xác người bằng xe máy: Buồn hơn cả chuyện buồn

    Gần đây, người ta hay nói, hay dùng từ “đắng lòng” khi chứng khiến một bi kịch nào đó. Sự cảm thông nhiều lúc không có từ ngữ diễn tả hết được. Vụ dân nghèo ở Sơn La phải chở xác người thân từ bệnh viện về nhà bằng xe máy thì quả thật nếu dùng từ “đắng lòng” cũng chỉ bộc lộ được phần nhỏ những điều cay đắng đang diễn ra trong xã hội.

    Chuyện tưởng như chỉ có thể xảy ra vài chục năm trước. Kể ngắn gọn lại: Chị Lò Thị Phanh ở xã Mường Sại, H.Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bị trọng bệnh, được gia đình đưa vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La chạy chữa. Biết bệnh nhân khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện cho đưa về. Bệnh viện không cho xe, thuê xe ô tô ngoài thì không có tiền nên chỉ còn cách chở bằng xe máy. Đi một đoạn, chị Phanh chết, thân nhân đành mua chiếc chiếu bó lại, cột sau xe máy chở tiếp về nhà. Suốt dọc đường mấy chục cây số, xác chết nằm phía sau xe máy thò chân ra, xe cứ thế chạy, có lúc dừng chờ ở bến đò, trước sự chứng kiến của biết bao người.

    Đã có sự tranh qua cãi lại về vụ việc đau lòng này. Lãnh đạo bệnh viện phân trần họ không biết vụ đó, rằng bệnh nhân sau khi ra khỏi bệnh viện mới bị tử vong, vả lại người nhà bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện xin về và chở bằng xe máy chứ bệnh viện không ép. Có vị còn bảo đó là… phong tục của đồng bào thiểu số nên phải tôn trọng. Còn thân nhân chị Phanh cũng chả đổ lỗi cho bệnh viện, chỉ than thở nghèo quá, khổ quá, không có tiền thuê xe ô tô chuyên chở, cực chẳng đã mới phải dùng đến xe máy, chứ chẳng nhẽ để vạ vật ở bệnh viện.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Gieo gió gặt siêu bão

Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông - cha - con nhà Ủn (Kim Jong-un) luôn kiên định con đường đi lên CNXH nghèo đói, luôn to mồm dọa biến Hàn Quốc thành tro bụi, luôn đe Mỹ phải trả giá khủng khiếp, luôn tất cả vì hạt nhân, tất cả để chiến thắng. 

Hôm 12.9 nước này bị trận lụt khủng khiếp, thiệt hại vô cùng nặng nề, đói quá chịu không nổi phải cầu cứu quốc tế giúp đỡ. Không nước nào ra mặt hoặc lên tiếng, thậm chí có nước cho biết không muốn dây với thằng hủi mặc dù rất ái ngại trước tình cảnh của người dân đen Triều Tiên. Cho đến thời điểm này, chưa nước nào có ý định giúp đỡ, kể cả hai ông bạn chí cốt Việt Nam, Trung Quốc.

Gieo gì thì gặt nấy, còn kêu ai. Đổ gạo vào mõm nó, nó ăn xong (chứ không cho dân ăn) lại dọa biến trái đất thành bình địa, nên chả ai dại. Cứ để người dân Triều Tiên da bọc xương tự đứng lên quyết định vận mệnh của mình là tốt nhất.


Cả Venezuela cũng vậy, hăng hái tiến lên CNXH để bây giờ đã tiến sát... vực thẳm. Dân chúng Venezuela sẽ không để yên sự ngu muội ấy kéo dài.


Chả biết có kẻ nào nhìn vào đó để rút ra bài học cho mình.


Nguyễn Thông

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Học giả vờ

Hồi bé tôi được nghe, lớn lên được đọc khá nhiều về cụ Hồ. Thày tôi là người kính trọng cụ nên tôi cũng giống thày tôi. Tôi nghe kể nhà nước dành 2 chiếc ô tô cho cụ đi công tác, khi chiếc xe Pobeda hơi cũ người ta đề nghị cụ cho đổi xe mới Volga đen (loại thượng đẳng lúc bấy giờ) nhưng cụ không đồng ý, bảo vẫn chạy được thì chả cần đổi, vả lại cần làm gương về sự tiết kiệm trong khi nước còn nghèo, dân còn khổ. Cụ dùng cái xe đó cho đến khi mất năm 1969.

Bây giờ, hậu sinh của cụ luôn kêu gào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng trên thực tế họ chỉ ép dân học chứ bản thân họ học giả vờ. Bà con thử nhác xem xe mà họ sử dụng để thấy họ học thế nào. Tinh những xe trị giá mấy tỉ đồng, mà thay đổi xoành xoạch. Lại còn tự đặt ra quy định cỡ nào được quyền dùng xe xịn mức nào, ai được xài xe công cho đến chết... Xe Lexus 570 mà Trịnh Xuân Thanh dùng chả là cái đinh gì so với xe của mấy ông học giả vờ này. Nhà báo nào rảnh rỗi, cứ chụp cho dân coi cái ảnh về mấy chiếc xe các ông Trọng, Quang, Phúc, Huynh... dùng hằng ngày là biết ngay sự giả vờ ấy.

Tôi hoàn toàn nhất trí việc học theo gương tiết kiệm giản dị của cụ Hồ, nhưng trước hết các ông ấy cần phải làm gương. Thử đi cái xe do Trường Hải lắp ráp xem nào, người Việt dùng hàng Việt xem nào. Còn nếu không thực hiện được thì nên chấm dứt cuộc vận động đó đi, để dân chúng tự giác học cụ, chứ nói một đằng làm một nẻo khó coi lắm. 

Nhân đây tôi cũng nói luôn, những bố nào cứ thò ra đường là chễm chệ chĩnh chiện trên ô tô nhưng lại gào phải hạn chế xe máy để giảm ùn tắc giao thông thì tôi khinh. Đâu có cái thói thế được.

Nguyễn Thông

Chuyện ăn độn

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết ăn độn là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn… Tôi có đứa cháu họ, có lần nó xin ông ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên chẳng hạn. Cũng có lần nó đòi về hưu, nó bảo ông bà về hưu sao không cho cháu theo, cháu thích về hưu lắm, thích hơn ở thành phố.

Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 không phải ăn độn, chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Thông báo mời họp lớp của K17 văn khoa, ĐHTH Hà Nội

Dưới đây là bản thư mời góp ý chuẩn bị cho cuộc họp lớp Văn K17 do anh Lê Tài Thuận vừa chuyển cho mình. Vậy đưa lên để các anh chị K17 góp thêm ý kiến vào nhằm đạt được sự thống nhất chung, chuẩn bị cho đáo cho cuộc họp mặt này. Mong các anh chị K17 (Văn, Ngữ, Hán Nôm) lưu tâm và cho ý kiến. Xin cảm ơn

Thành phố Huế, ngày 08 tháng 9 năm 2016
THƯ NGỎ
Thân mến gửi các Anh Chị cựu sinh viên lớp Văn K17,
khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Đến tháng 11 năm 2016 này là tròn 40 năm lớp chúng ta ra trường. Rất nhiều Anh, Chị trong lớp mong muốn, nhân dịp này, tổ chức gặp mặt, giao lưu, làm sống lại những kỷ niệm xưa mà tuổi càng về chiều càng thấy nó quý, đẹp và thiêng liêng. Lần gặp nhau này rất có ý nghĩa. Với đôi ba người, đâylà lần đầu sau 40 năm xa cách. Có người lại nói quỹ thời gian chẳng còn bao nhiêu, có gì vướng bận thôi bỏ qua, được gặp nhau là vui, là sướng, nên gặp nhau nhiều nhiều.
Theo đề xuất và hối thúc của một số người, lần này, mấy “Lão làng”xin nhận lãnh nhiệm vụ triệu tập,phối hợp cùng một số Anh,Chị có điều kiện để tổ chức hội lớp.Xin đề xuất kế hoạch (dự kiến) như sau:
1.      Thời gian: 2 ngày 26,27/11/2016.
2.      Địa điểm: tại Hà Nội.
3.      Nội dung:
-         Gặp mặt, giao lưu, sinh hoạt chung.
-    Tham quan danh thắng Yên Tử.
4.      Thành lập Ban tổ chức gồm: Lê Tài Thuận, Đặng Quốc Khánh, Vũ Lệnh Năng, Trần Thị Sánh, Nguyễn Thị Bé, Trần Quang Tửu, Nguyễn Thị Thu Hà,Nguyễn Thông (khi triển khai cụ thể, nếu cần sẽ mời thêm một sốAnh,Chị khác tham gia công tác tổ chức).

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Tâm lý nô lệ của người Việt

NGUYỄN XUÂN HƯNG (nhà văn)

Người Việt nô lệ-1
Tít đầy đủ phải là : tâm lý nô lệ của người Việt. 

Sĩ phu nước ta nhiều lần chỉ ra thói hư tật xấu của đồng bào mình. Phan Kế Bính viết phong tục, quá nửa phê phán thói xấu hủ tục. Tản Đà, Phạm Quỳnh, Nguyễn Trường Tộ cũng lên án kịch liệt người Việt xấu xí. Phan Khôi viết thế này :"Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là từ thời Lê Trung Hưng về sau. Người trên người dưới bắt chước nhau, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới đợ lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn yếu ớt...”.

Cội nguồn mọi thói xấu có căn nguyên từ lịch sử dân tộc. Hơn nghìn năm lệ thuộc trực tiếp. Từ Đinh, Lê đến Nguyễn, không kể10 năm thuộc Minh đen tối, còn thì độc lập mà vẫn danh nghĩa là lệ thuộc. Trên ông vua ta có một thiên triều. Song, cái chốt đích đáng là toàn bộ nền văn hóa, lý luận cốt lõi, nền tảng xã hội lấy cơ sở từ Nho giáo, triết học ngoại lai. Lý luận trị nước ở một nước lãnh thổ rộng lớn, phong thủy khác, văn hóa khác bị du nhập vào dưới lưỡi gươm của kẻ nô dịch bá chủ, nó càng bị ép buộc chặt chẽ. Cả dân tộc là tù binh của ý thức hệ ngoại lai.

Thanh Hậu Giang

Buồn cười nhất là bàn dân thiên hạ, báo chí, Tỉnh ủy Hậu Giang, và tất cả những người tò mò, đều hoắng lên không biết ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu. Mỗi anh đoán một phách, chả ra làm sao.

Gây nên tình trạng nhiễu loạn ấy, tôi cầm chắc là mấy ông to, cả công an nữa, bởi họ thừa biết ông Thanh đang ở đâu. Thì cứ nói toẹt ra là ABC này nọ, giấu làm quái gì, chỉ tổ khiến dân chúng hoang mang. Cái đứa cần trốn, cần phi tang chứng cứ thì nó đã trốn đã phi tang rồi, chả lừa thêm được đứa nào nữa đâu. 

Lão Maddox hàng xóm bảo Tỉnh ủy Hậu Giang nó thừa biết chả thể nào tìm ra Trịnh Xuân Thanh nhưng cứ giả vờ đi tìm, cứ ra tối hậu thư này nọ, thực chất là để giỡn trung ương thôi. Dân Nam Bộ nó còn biết sợ ai. 

Lão trầm ngâm rỉ tai tôi, bọn chóp bu sợ nhất là trong vụ này đã phát sinh những biểu hiện ly khai chính quyền trung ương, cứ để kiểu Hậu Giang cười cợt, coi thường là rất nguy hiểm cho nó, loang ra như hắc lào thì bỏ mẹ, nhưng chưa biết chặn thế nào cho êm.

Tôi cười, ông chỉ nói mò, thế sự chứ có phải vợ đâu mà mò khiếp vậy. Lão bĩu môi khinh bỉ, xì ra một cái, bảo cứ chờ xem.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Đường sắt

Thời Pháp cai trị, người Pháp đã có công mở đường sắt xuyên Việt. Dù người cộng sản bảo rằng nó (Pháp) chả tốt đẹp gì, chỉ cốt để vận chuyển tài nguyên khai thác thuộc địa và vũ khí đàn áp phong trào cách mạng) nhưng rõ ràng lợi ích xã hôi dân sinh cực kỳ to lớn. Đường sắt ấy đã kéo dài đến Đà Lạt (cao nguyên), vào tận Mỹ Tho (Nam Bộ) và còn có thể dài hơn nữa nếu...

Sau năm 1955, bởi lý do chiến tranh, chính quyền Sài Gòn đã dẹp, ngưng sử dụng 2 tuyến đường sắt ấy, thật đáng tiếc. Tuy nhiên, họ vẫn có ý thức để lại đường ray chứ không bóc đi. Năm 1977, tôi vẫn đi dọc đường ray chạy từ ga Sài Gòn tới ngang chợ An Đông quận 5 (chỗ tôi ở), thầm nghĩ nếu chính quyền mới mà tái sử dụng tuyến hỏa xa này thì thật tuyệt vời.

Cả một vùng Nam Bộ mênh mông trù phú, đòn bẩy kinh tế như thế mà không mở đường sắt nối đến để phục vụ giao thương, đi lại, thuận tiện cho đời sống hằng ngày, quả thật tôi không hiểu nổi chính quyền này suốt mấy chục năm họ làm cái gì. Bạn cứ tưởng tượng nếu có tuyến đường sắt nối đến thủ phủ ĐBSCL là Cần Thơ (qua TP.Tân An - Long An, TP.Mỹ Tho - Tiền Giang, TP.Vĩnh Long - tỉnh VL) thì giá cả chi phí vận chuyển, đi lại sẽ rẻ biết bao nhiêu, thuận tiện biết bao nhiêu, nhanh hơn hẳn ô tô, tiết kiệm rất nhiều thời gian, dân sẽ vui sướng như thế nào.

Nhưng nhà cai trị chỉ mải trị dân chứ không lo cho dân nên đừng mong họ làm điều ích lợi ấy. Có điều, chính quyền trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường sắt (nay là tập đoàn) phải hổ thẹn với người Pháp chứ.

Nhân có ông tổng thống Pháp đang kinh lý ở xứ ta, giá ai đó đề nghị ông ấy làm nốt công việc của tiền nhân Phú Lãng Sa, giúp cho tuyến đường sắt được nối dài xuống phía nam thì tốt biết bao.

Nguyễn Thông

Góp ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): tị nạn, công trái

Khá nhiều bạn khi viết trong bài 2 từ này: "tị nạn", "công trái" nhưng không để ý đến nghĩa cụ thể của nó.

Tị có nghĩa là trốn, đi trốn, chạy trốn, trốn tránh. Tị nạn là trốn nạn, tránh nạn; người tị nạn là người chạy đến một nơi nào đó để trốn tránh tai nạn đang xảy ra ở quê hương mình, đất nước mình. Nhiều người Việt sau năm 1975 vượt biển trốn ra nước ngoài là những người tị nạn. Những người ở Syria đang từng đoàn từng lũ kéo sang châu Âu là người tị nạn. Họ chạy trốn thứ tai nạn đe dọa họ.

-Trái có nghĩa là nợ, món nợ, khoản nợ. Công trái là nợ công, nợ của nhà nước. Khi nhà nước thiếu tiền bèn vay của dân bằng cách bán ra trái phiếu (phiếu ghi nợ), người dân gọi phiếu đó là phiếu công trái. Chỉ có điều đồng tiền mất giá nhanh nên nhiều khi số tiền người dân bỏ ra mua tờ công trái, trái phiếu chính phủ (phiếu ghi nợ của chính phủ) lúc thanh toán chỉ còn lại không đáng kể, con bò chỉ còn bằng ký thịt.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Đã nghèo lại gặp cái eo

Việc lực lượng chức năng liên ngành tỉnh Ninh Thuận hôm 1.9 bắt và phạt những người bán vé số dạo về “tội” dám bán vé số của tỉnh khác trên địa bàn tỉnh này khiến dư luận phàn nàn bức xúc. Nhà chức việc Ninh Thuận biện rằng chỉ làm theo quy định do Bộ Tài chính ban hành chứ không phải tự họ tùy tiện nghĩ ra. Cứ tạm cho là thế thì hành vi “bắt phạt” máy móc, vô cảm của họ cũng rất đáng trách.

Có thể nói thẳng, trong xã hội bây giờ, tầng lớp dưới đáy vẫn còn khá đông đảo, và đội ngũ bán vé số dạo được xếp vào hạng đáy của đáy. Thấp nhất, tận cùng, khó mà thấp hơn được nữa. Đó phần lớn là những người nghèo bế tắc sinh kế, không nhà cửa ruộng vườn, không nghề nghiệp vốn liếng, không học vấn kiến thức, mỗi người một vẻ bi kịch, đành nhắm mắt đưa chân vào một cuộc sống bấp bênh chả thua kém gì cuộc sống cũ: đi bán vé số dạo. Nhưng ấy là cách kiếm sống lương thiện của người nghèo, là lối sống không muốn lụy phiền ai, hai tay vày lỗ miệng của con người lao động.

Xổ số thực chất là hình thức cờ bạc, chỉ có điều thứ cờ bạc này được nhà nước chấp nhận, cho phép tồn tại, hoạt động, do chính những đơn vị nhà nước đứng ra tổ chức, điều hành. Người bán vé số dạo tham gia vào hoạt động này mặc nhiên được nhà nước chấp nhận, xem như một đội ngũ lao động trong xã hội.

Đội quân bán vé số hình thành từ khi nào, khó xác định cụ thể. Điều mà ai cũng thấy rõ, họ chả có độ tuổi, giới tính gì đặc trưng bởi nam phụ lão ấu đủ cả, người khỏe mạnh lẫn người tàn tật. Hầu hết xuất thân từ những vùng khó khăn, thiếu đất đai, thiên tai khắc nghiệt, nhiều nhất là dân miền Trung và Nam Trung Bộ. Ai chả muốn gắn bó với quê hương, cực chẳng đã mới lưu lạc xứ người hành nghề bán vé số. Nghèo thì đành phải chấp nhận bị coi thường, bạc mặt với đời, tạm xếp lại nhân phẩm tự trọng vào một chỗ để mưu sinh nuôi thân và nuôi gia đình. Bị người đời khinh rẻ không đáng sợ bằng chết đói. Họ làm thứ việc bị coi là hạ đẳng nhưng lương thiện ấy để giữ được cái phẩm chất của mình chứ dứt khoát không ăn xin, không chịu sung vào đội quân vô lương trộm cắp, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Quý họ là quý ở chỗ đó. Vậy mà nỡ lòng nào quay lưng lại với họ, như hành vi bắt phạt của nhà chức việc tỉnh Ninh Thuận kia.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Phòng cách âm

Người ta đã mồ yên mả đẹp rồi, có thể cho qua, nhưng cái tiếng ở đời chưa hẳn mất đi. Tôi không nhắc đến vụ bí thư Yên Bái bị chết nữa, nhưng tôi còn băn khoăn về cái phòng làm việc của ông ấy.

Cứ như báo chí và một số người có trách nhiệm từng bố cáo thì lúc ông bí thư bị hung thủ bắn chết, mà những 4 phát đạn K59, không ai biết vụ việc bởi nó xảy ra trong phòng kín, mà là phòng cách âm. Tôi chưa biết tiếng nổ của K59 nó to bé ra sao (nhưng chắc không phải là pháo tép), chẳng biết đó có phải là phòng cách âm không, cơ quan điều tra nên làm rõ và công bố điều này, chứ không thể nhất thời nói lấy được để tạm yên dư luận.

Đặt trường hợp đây là phòng kín cách âm, nẩy sinh ra vấn đề: Một ông quan đầu tỉnh chui vào phòng cách âm, kín mít thì còn làm được cái trò gì cho dân, đó là chưa kể đến những trò mờ ám. Đừng lấy lý do an ninh ra mà hoạnh nhau, kín như thế chỉ để dấm dúi bàn chuyện không tử tế chứ không phải chuyện đại sự quốc gia, chuyện dân chuyện nước. 
Dư luận còn cười cợt rằng chả khác gì phòng karaoke ôm. Kín thế thì sao mà gần gũi cấp dưới, gần gũi dân. Đây là tình trạng quan cách phổ biến ở nền cai trị xứ này. 

Nếu đúng có tình trạng phòng cách âm của các quan đầu tỉnh như vậy, thủ tướng nên có cuộc kiểm tra ngay, bắt phá ngay. Cùng chung hầm chung nhà với dân còn chưa ăn ai, huống hồ cố thủ trong phòng lạnh kín cách âm. Và gặt ngay hậu quả nhãn tiền như vụ Yên Bái, chả khác gì Thương Ưởng thời Chiến quốc, chết bởi chính thứ do mình đặt ra. 63 tỉnh thành, 63 phòng cách âm, ai dám đoan chắc sẽ không có những vị bí thư xếp hàng sau người quá cố ở Yên Bái. 

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Phố

-Sài Gòn có phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1 từ năm ngoái, Hà Nội cũng vừa có phố đi bộ quanh bờ hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Nhìn chung thiên hạ thích thú, nhưng có "một bộ phận không nhỏ" rất khổ sở bởi điều này, đó là những người dân lâu nay sống trên phố đó.

Vẫn biết hai bên đường phố đi bộ ở 2 nơi (SG, HN) hầu hết là công sở, nhà hàng, khách sạn... nhưng cũng có không ít nhà dân. Lâu nay cứ ra khỏi nhà là phóng xe (xe máy, ô tô) đi, hết giờ làm việc thì phóng xe tọt về tận nhà. Nay bị cấm, phải gửi ở ngoài xa, hoặc tới chỗ cấm thì xuống xe dắt bộ về nhà. Cái chân còn khỏe chả nói làm gì, chân yêu yếu mà lại dắt con xe cỡ SH thì tổn thọ là cái chắc.

Người dân tại chỗ đã chịu thiệt thòi cho cộng đồng được có chỗ vui chơi thì thiết tưởng nhà cai trị nên có sự ưu đãi nhất định đối với họ. Tôi chưa thấy ai nhắc đến, cũng chả thấy báo chí quan tâm (chỉ giỏi sờ sịt chuyện hoa hậu, chân dài vú to mông nở).

-Sau hơn 60 năm "giải phóng thủ đô", hơn 40 năm hết chiến tranh, vậy mà đến giờ Hà Nội vẫn còn thiết quân luật, vẫn giới nghiêm, phải nói là quá kinh. Lúc nào cũng tự hào thành phố hòa bình, thu hút du khách nhưng đêm đến vẫn giới nghiêm, vẫn "chú đi tuần đêm nay" thì cũng chả khác gì thời chiến. Phố giới nghiêm là thứ phố chết chóc, mất sinh khí, chả nên duy trì. Điều buồn cười là khi chính quyền Hà Nội nới thời gian giới nghiêm, báo chí và người dân lại rất hồ hởi, mà lẽ ra phải đòi bỏ ngay, xóa ngay triệt để. Ở xứ này, quyền con người bị siết chặt, nhả ra tí một khiến người ra chịu ơn, mừng rỡ, dân chúng hài lòng với sự bố thí ấy, đó là thủ thuật của nhà cai trị.

-Báo chí, dư luận đang ồn ào lên tiếng về cái bãi rác Đa Phước ở Sài Gòn, nhất là hằng ngày nó cống hiến mùi thối cho xung quanh. Nhưng cũng chủ yếu bày tỏ thương cảm cho khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng. Có một đối tượng được hưởng mùi thối suốt ngày là những người sống và làm việc, đi lại trên những con phố có xe rác chạy qua. Theo quy định, xe chở rác chỉ được vận chuyển và chạy vào ban đêm nhưng công ty rác bất chấp, chạy luôn ban ngày. Nước rác rỉ ra đường, mùi thối bay khắp đường, bay vào nhà lúc đang sinh hoạt, làm ăn, buôn bán. Sống ở nững con phố ấy như địa ngục. Ông bà nào xưa nay cho rằng triệu phú nhà quê không bằng ngồi lê thành phố, cho về phố xe rác ở vài ngày, tỉnh ra ngay.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Ngày lễ trọng

Hôm nay kỷ niệm 71 năm ngày người cộng sản làm cách mạng cướp chính quyền thành công. Không phải ngày quốc khánh (lập nước) bởi nước Nam, Nam Việt, Đại Việt, Việt Nam đã được lập ra từ lâu rồi; cũng không phải ngày độc lập bởi nước ta dân ta từng có những ngày độc lập lâu rồi. Cần xác định khái niệm cho chính xác để khỏi cãi nhau.

Đang có sự nhầm lẫn về 2 khái niệm: nước và nhà nước. Nước thì chỉ có nước Việt Nam thôi, bất cứ lực lượng nào cầm quyền, cai trị thì cũng vẫn chỉ là nước Việt Nam. Còn nhà nước hiện tại là nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lâu nay, người ta nói nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nó quen tai chứ thực ra không chính xác, đó chỉ là một chính thể chứ không phải nước. Yêu nước không có nghĩa phải yêu luôn thể chế chính trị, nhất là khi cái thể chế ấy không được lòng dân. Đừng cố tình đánh tráo khái niệm, gán cho những người không yêu chính thể là không yêu nước. Nước Việt Nam thì tồn tại muôn đời (nếu không bị ngoại bang chiếm đóng, xóa sổ, cải tên), chứ chính thể thì nay còn mai mất là chuyện thường, hết thịnh lại suy, hết hưng lại phế, hết tồn lại vong, đâu thể muôn năm, mãi mãi như trong khẩu hiệu.

Đối với tôi, chỉ có nước Việt Nam.


Nguyễn Thông

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Súng nguyện hồn ai

PHẠM THỊ HOÀI (nhà văn)

Khi đọc tin về vụ nổ súng ở Yên Bái, tôi không sốc. Ở thời sấp ngửa câu view này, chúng ta đã moi sạch và bị moi sạch vốn cảm xúc thực của mình, để rồi bơm trở lại và được bơm trở lại những cảm xúc pha chế. Khả năng sốc trước tin bạo lực hầu như không còn nữa. Những vụ cướp giết hiếp xuất hiện hàng ngày như hoa hậu và bóng đá. Có những ngày như 27 tháng 11 năm ngoái, đến báo chí cũng uể oải với quá nhiều máu của 11 vụ án mạng và 12 xác chết. Sau những Nghệ An 2/7/2015, Bình Phước 7/7/2015, Yên Bái 12/8/2015, Gia Lai 23/8/2015, Thanh Hóa 1/11/2015 và gần đây nhất, Lào Cai 9/8/2016, ba mạng người ở Yên Bái quá khiêm tốn để tấn công kỷ lục quốc gia về choáng và sốc. 

Tôi cũng không thấy mình có bất kì một biểu hiện nào của thương cảm. Mỗi cái chết đều đáng rỏ ít nhất một giọt nước mắt, và trái với hình dung không tưởng của chúng ta, những kẻ rất xấu xa vẫn được tiễn đưa bằng rất nhiều khói hương và thương tiếc. Song vấn đề của phần lớn các quan chức trong một chính quyền kiểu Việt Nam là họ không có một diện mạo riêng nào hết. Họ nhuộm tóc và rẽ ngôi giống nhau, phụ nữ thì đều uốn tóc. Thân hình họ phát triển mạnh ở những an toàn khu như nhau. Họ đoàn kết trong những chiếc áo sơ mi trắng giắt trong quần màu đen và cả trong những chiếc quần tắm nhiều màu trên bãi biển, phụ nữ thì trong những chiếc áo dài râm ran hoa và kim tuyến.

Chân dung 4

Anh rất ghét sâu, anh bảo thế
Anh làm chủ nhiệm suốt bao năm
Bao năm vật lộn cùng khó khăn
Nhưng anh chỉ chém, anh chỉ nói
Đến cái tên người không chém nổi
Ôi đồng chí X, đồng chí ơi.
Có ai hiểu cho nỗi niềm tôi
Tôi về trả hết nhà nhà nước
Làm vua cũng chỉ bù nhìn thôi.
Làm vua cũng chỉ bù nhìn thôi.

Nguyễn Thông