Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2025

Dỡ bỏ cũng thế thôi

Cái pa nô (bức vẽ tuyên truyền) sỉ nhục Mỹ ở bìa đường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) dù đã được dỡ bỏ nhưng tiếng xấu thì không gột được.

Cần nói ngay rằng nội dung pa nô đó là kiểu/mô đen tuyên truyền thường thấy ở xứ này bao lâu nay. Họ chấp hết, còn đúng sai, hay dở, kệ.

Dựng cái pa nô nội dung tuyên truyền, ngay "giữa của giữa" thủ đô không phải chuyện đùa, muốn dựng thì dựng. Nó được duyệt từ cấp rất cao, đủ ban bệ ngành, chứ không phải thằng doanh nghiệp nào đó muốn làm thì làm, muốn dựng thì dựng. Rồi cũng chả "chết" đứa nào, trừ vài đứa tép riu kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc. Báo Tiền Phong hôm qua 23.4.25 viết bài ca ngợi pa nô, thấy dân chửi trên mạng dữ quá, vội hạ bài lập tức.

Một tấm pa nô (dân gian gọi là pa nô chim ỉa) như vậy được thiết kế công phu, hàm ý "sâu sắc", tôi đồ rằng khi nó mới hình thành có ối kẻ cấp trên vỗ tay khen ngợi. Đảm bảo chẳng phải chỉ có bản sỉ nhục độc nhất này dựng ven đường Đinh Tiên Hoàng ngó ra hồ Gươm mà có rất nhiều bản khác được ngạo nghễ khắp nơi, chả biết đã được lặng lẽ thu hồi chưa. Làm gì có chuyện pa nô độc bản.

Dẹp tấm pa nô này cũng chả giải quyết được gì khi hằng ngày trên tivi, báo chí, loa tuyên truyền, khẩu hiệu giăng khắp chốn vẫn cứ một mực "kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", vẫn hát "diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước", "còn giặc Mỹ cọp beo, ấy còn giặc Mỹ cọp beo", "Vì nhân dân ta ra đi, diệt hết lũ đế quốc Mỹ, cờ giải phóng tung bay hùng vĩ"... Hận thù đã ăn vào trong máu rồi, không sửa được.

Hôm qua tôi vô tình ngồi cạnh mấy người trẻ, nghe họ nhiếc móc cái cô bị kẹt xe dám nói thật lòng mình, nào là vô ý thức, non kém về chính trị; rồi đọc tút của một anh nhà báo (cùng các đồng nghiệp vào còm) chê cười một anh nhà báo khác cũng "tội" non kém chính trị, thì hiểu rằng khó gỡ tấm pa nô chim ỉa khỏi đầu họ.

50 năm trôi qua, vẫn phải chứng kiến cuộc sống đầy thù hận, xung đột, khác biệt. Đó là nỗi buồn của những người khát khao cuộc sống yên vui thực sự.

Nguyễn Thông



Thứ Ba, 22 tháng 4, 2025

Mắt thấy tai nghe óc nghĩ

Với tất cả những gì diễn ra những ngày qua, những sự kiện, phát biểu, lời nói, khẩu hiệu, hành động, truyền thông..., cá nhân tôi khẳng định (chứ không phải "có thể" khẳng định) chắc chắn: đường lối, tư tưởng, quan điểm, ý thức hệ... họ không thay đổi gì.
 
Họ vẫn cứ quẩn quanh áp đặt, thích hình thức, ăn mày quá khứ, không thích nghe lời nói thẳng, dẫm vào vết của người đi trước theo tinh thần "chính trị là thống soái", "súng đẻ ra chính quyền".

Những chuyện sáp nhập, cải cách, đổi mới, tinh giản, tổ chức lại bộ máy hành chính, thay đổi nhân sự, đột phá, tháo điểm nghẽn, v.v.. chỉ là sự vá víu lại hạ tầng đã mục nát, tệ hại. Cái thượng tầng (đường lối, quan điểm, ý thức hệ, tư tưởng, chính sách) quá lỗi thời, lạc hậu, vẫn như cũ, không chuyển biến thì quậy cựa mấy cũng chẳng đi đến đâu.
 
Cái điểm nghẽn nhất gây ra mọi điểm nghẽn không được rũ bỏ thì tháo mấy cũng ném đá ao bèo, công cốc, dân chả hy vọng gì. Cũng chỉ là cuộc cách mạng ở làng Mùi mà Lỗ Tấn đã tả thôi.

Người nắm quyền (trọng trách quốc gia) đã cố tình cố ý bỏ qua cơ hội đặc biệt nhất trong 50 năm qua để thống nhất thực sự, nhất là thống nhất về lòng người. Rõ thấy nhất là họ vẫn cứ thích phải có cụm từ "giải phóng miền Nam" chứ dứt khoát không chịu chỉ dùng "thống nhất đất nước".

Điểm nghẽn lớn nhất nằm ở trong đầu chứ không phải nơi nào khác.

Sự cả tin, ham vui, rộng lượng, dễ cho qua của dân chúng xứ này (kể cả các trí thức) đang bị lợi dụng triệt để. Tôi nói thật. Một đám đông chỉ thích hội hè.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Nhân chuyện máy bay Tàu

Dân ta thời nay đã quen với việc đi lại bằng máy bay. Đủ kiểu bay, giá đắt giá rẻ đều có, nhiều tiền cưỡi hãng xịn, ít tiền xài hãng bụi. Có lần tôi tham rẻ (mà thực ra không rẻ) mua vé của hãng giá rẻ (ai cũng biết, nên không nói ra đâu), bị đủ sự bực mình, lẩm bẩm ông chỉ dại lần này thôi, về sau thì chừa.
 
Chuyến ấy khoang bay ồn ào như chợ vỡ, có cả gọi điện thoại cãi nhau chửi thề với người ở nhà (lúc chưa cất cánh). Một bác lôi hẳn chiếc điếu cày ra định bắn thuốc lào nhưng may tiếp viên phát hiện kịp (giờ vẫn không hiểu bác ấy tha khẩu bazoka lên bằng cách nào). Lại thằng cu 4 - 5 tuổi gì đó cứ nhảy cỡn sang ghế tôi, đạp vào bụng tôi, uống hộp sữa xong vứt toẹt vỏ sang, mẹ nó thì mải chơi game tỉnh bơ. Còn kiểu ngồi gác chân lên ghế trước thì nhiều vô thiên khênh...

Thời gian đầu có mấy hãng giá rẻ, dân sướng lắm. Thật ra có rẻ hơn so với hãng độc quyền nhà nước VNA (bà con đọc là việt nam e lai) nên giới bình dân xúm vào giá rẻ. Cứ rẻ là khoái, nhất là với người ít tiền. Ít tiền nhưng vẫn thích đi máy bay. VNA giá vé cao, chủ yếu cho mấy ông bà lãnh đạo, cán bộ đi công tác, được nhà nước, cơ quan đơn vị chi tiền vé, dẫu đắt mấy cũng phẩy tay chuyện nhỏ. Lạ ở chỗ vé thì đắt, bay luôn đầy khoang nhưng hãng này bai bải than lỗ, có năm quốc hội còn phải dành cả tiếng đồng hồ để bàn cách giải lỗ cho nó, chết cười.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Thời sự 15.4.25: Tên gọi Sài Gòn

Nhiều báo quốc doanh ngày 14.4 đưa tin sẽ có phường ở quận 1, TP.HCM mang tên Sài Gòn. Phường Sài Gòn.

Việc đặt tên (địa danh) cho nơi nào đó, từ cấp xã trở lên (huyện, tỉnh, vùng) là quyền của quốc hội. Quốc hội thông qua thì mới có tên chính thức.

Hồi cuối năm ngoái 2024, quốc hội quyết việc xã quê tôi bị nhập chung với 2 xã khác, đồng ý đặt tên mới là Kiến Hưng. Cái tên này do huyện Kiến Thụy đề xuất, lại còn lý giải Kiến là Kiến Thụy, Hưng là hưng thịnh, phát triển, mẹ hát con khen, cứ tấm tắc khen hay. Quốc hội gật gù, hay, đồng ý, Kiến Hưng, ghi vào sổ, từ nay mang tên mới.

Cũng xin lưu ý rằng tên thì ai/cấp nào cũng có quyền đặt, dân cứ đặt thoải mái, nhưng quyết cho nó hợp pháp thì phải quốc hội, nhé.

Kiến Hưng tồn tại tới nay được gần 4 tháng, chỉ 2 tháng nữa sẽ bị xóa sổ, bởi xã mới Kiến Hưng lại tách ra, có cuộc ba đào nữa, nhập với những xã khác và có tên mới khác. Chưa khi nào địa danh bị phập phù, chết yểu thần tốc như lúc này.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Bàn trà chủ nhật (phần 6)

Đã từ lâu ở nước này, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị được xác định và tồn tại theo nguyên tắc “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đảng lãnh đạo thì quá rõ, thậm chí còn được ghi vào hiến pháp (điều 4). Nhà nước cũng vậy, chính phủ và chính quyền các cấp không chỉ quản lý mà còn trực tiếp làm đủ mọi chuyện to nhỏ, nếu đúng thì dân-nước được nhờ, sai thì dân-nước gánh chịu. Còn dân có được làm chủ hay không thì rất mơ hồ. Mơ hồ như người ta thường nhắc tới dân chủ vậy.

Phụ vào với đảng còn có cả hệ thống trùng điệp đoàn thể, hội này hội nọ, tay phải tay trái, tạo nên cái gọi là hệ thống chính trị. Ở xứ này, chính trị là thống soái, không có thứ gì lọt khỏi vòng chính trị, kể cả cơm ăn áo mặc. Làm gì có chuyện vô chính trị, không quan tâm, thờ ơ với chính trị. Làm thơ, viết nhạc còn phải vuốt ve chính trị nữa là. Không tin cứ hỏi các nhà thơ, nhạc sĩ.

Lứa chúng tôi, khi sinh ra đảng đã có rồi. Mặc nhiên nghĩ “đảng là cuộc sống của tôi/mãi mãi đi theo người” khi loa đài, báo chí, sách vở tuyên truyền như vậy suốt ngày, chỉ trừ lúc đã ngủ. Hầu như ai cũng biết, dưới đảng còn có nhà nước (một thực thể rất chung chung, không thể hình dung nó là thứ gì, như thế nào, ngoài sự cụ thể có chủ tịch và phó chủ tịch nước); quốc hội (cơ quan cao nhất của quốc gia, nhưng trên thực tế thì rất thấp, đến nỗi khi ghi danh sách tứ trụ thì chủ tịch quốc hội chỉ được xếp thứ 4, hạng chót); chính phủ, còn gọi là cơ quan hành pháp (thực hành pháp luật), đứng đầu là thủ tướng, dưới thủ có các phó thủ, đội ngũ bộ trưởng, thứ trưởng, dưới nữa là chủ tịch ủy ban hành chính (dân đùa gọi thành “hành là chính”, về sau bề trên thấy nhột đổi thành ủy ban nhân dân) các tỉnh/thành phố, các quận huyện, phường xã. Có lẽ trong bộ máy đông đảo ấy, chỉ duy nhất trưởng thôn/ấp/khu phố là không được tính vào danh sách 70% vừa rồi ông Tô Lâm đã chỉ thẳng ra. Vừa rồi đứa cháu tôi bảo trưởng thôn không được coi là cán bộ, không có lương nhưng gần đây được điều chỉnh hưởng phụ cấp cao phết, mà tiền ấy cũng từ ngân sách, ông nhé. Tự dưng tôi đâm nghi cái con số 70 kia.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2025

Rỉ tai Quốc hội sắp họp

Chuyện đang nóng sốt hạng nhất ở xứ này bi giờ không phải là thuế, là ông bà nào bị kỷ luật, ông bà nào sắp vào trung ương (dĩ nhiên là đảng, chứ trung ương hội nuôi ong chẳng hạn thì kể làm gì), thằng DJ đánh vợ... mà là sáp nhập tỉnh/xã.

Bỏ cấp huyện, thôi không bàn, bởi ông Tô Lâm đã quyết rồi, bàn thêm lại mang tiếng chống đối.
 
Trước hết nói về xã. Cuối năm 2024, xã Thụy Hương quê tôi ở huyện Kiến Thụy (TP.Hải Phòng) bị sáp nhập với 2 xã khác (Đại Hà, Ngũ Đoan), đặt tên mới Kiến Hưng. Nghe cũng tạm. Quốc hội thông qua nghị quyết đàng hoàng. Dân 3 xã cũ chưa kịp quen với tên mới, nay nghe đâu lại chuẩn bị tách ra để nhập với mấy xã khác cho hợp xu thế thời đại, còn sẽ mang tên mới gì thì quả thật dân xã đếch biết. Chỉ tội mấy đứa trẻ con có giấy khai sinh từ đầu năm tới giờ, chẳng biết phải đổi lại nơi sinh xã Kiến Hưng không. Tên xã tồn tại đúng nửa năm, do đám quốc hội làm việc không biết trông trước ngó sau, bóc ngắn cắn ngắn.

Về tên mới của tỉnh sau sáp nhập, tôi thấy thiên hạ cứ lăn tăn, tranh luận, tiếc rẻ, rằng thì là mà. Theo tôi, tên nào cũng được, rồi cũng quen. Chả hạn Hải Phòng quê tôi bị đổi thành Hải Phẹt, Hải Móm, Hải Bánh, Phòng... cũng chả sao. Vài hôm quen ngay ấy mà. Trước kia có những tỉnh mất bu nó tên, giờ chẳng ai nhớ nó từng tồn tại, có sao đâu. Ví dụ, tôi đảm bảo giờ không mấy ai biết từng có tỉnh Nghĩa Lộ, hoặc các tỉnh Minh Hải, Cửu Long, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình...

Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

Trump, thuế và Việt Nam

Nói toẹt ngay, tôi i tờ về kinh tế; kiến thức kinh tế, về chuyện làm giàu nếu gom góp nhặt nhạnh lại đựng chưa đầy vỏ hến. Bằng chứng là bản thân cứ dính gì liên quan đến làm ăn là thất bại, nghèo túng cho đến bây giờ. Chính vì vậy, tôi không bao giờ dám đụng đến kinh tế, có viết cũng chỉ chuyện vớ va vớ vẩn.

Nhưng đọc bài của BS Dương Đức Tú (FB Duc Tu Duong) thì tôi giật mình, tâm trạng na ná kiểu người xưa đọc luận cương của Liệt Ninh rồi reo lên và khóc "cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi".
 
Chỉ lẩm bẩm, sao Tú chữa răng giỏi (bàn tay vàng nha khoa), mà kiến thức về kinh tế cũng sâu đậm thế. Nếu ta học để mở mang kiến thức, thì học ngay trên mạng 4.0 này chứ đâu cần phải trường kia viện nọ.
Giá như ông Chính, ông Phớc (gớm, cái tên khó gõ quá), ông Diên cán bộ đoàn mà ngó vào trang phây BS Tú thì không bổ ngang cũng bổ dọc.

Dưới đây là bài của BS Tú.

TRUMP ÁP THUẾ 46% LÊN HÀNG VIỆT: LỜI CẢNH TỈNH HAY CƠ HỘI ĐỂ THỨC GIẤC?

Trump áp thuế 46% lên hàng Việt từ 9/4/2025 khiến mạng xã hội dậy sóng. Doanh nghiệp hoang mang, người lao động thấp thỏm. Liệu đây là thách thức hay cơ hội để Việt Nam thay đổi? Câu trả lời nằm ở chính chúng ta.

Cơn sóng dữ từ mạng xã hội và câu hỏi lớn

Mạng xã hội Việt Nam mấy ngày nay như "chảo lửa" khi tin tức Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu 46% áp lên 90% hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, được lan truyền chóng mặt. Từ ngày 2/4/2025, khi chính sách này được công bố, các hội nhóm kinh tế, trang cá nhân tràn ngập lo lắng: "Doanh nghiệp sẽ ra sao?", "Người lao động có mất việc không?"... Cổ phiếu lao dốc, doanh nghiệp hoang mang, không khí như trước một cơn bão lớn.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Bỏ đi 4 chữ để thu phục nhân tâm

Đất nước mấy chục năm qua có thay đổi, phát triển không? Có, thay theo thời gian và do sự cố gắng của con người.

Nhưng đừng chỉ nhìn vào đường sá, nhà cửa, miếng ăn... Có những thứ tới giờ vẫn không nhúc nhích, vẫn như cách đây 50 năm.

Nhìn ngó nghe hệ thống truyền thông độc quyền của nhà nước những ngày qua, những ngày này và những ngày tới, nhất là trên tivi, có cảm giác thật kinh sợ cho thứ tư duy ăn mày quá khứ, say chiến thắng, say đến mức bất chấp.
 
Bệnh cờ đèn kèn trống không chỉ thể hiện bằng cờ phướn đỏ rực, máy bay vút qua, đại bác ưỡn ven sông, văn nghệ thời chiến... mà còn là những phát biểu, diễn văn, đít cua về cuộc chiến tranh đã trôi qua 50 năm.
Cứ kiểu cách ấy, còn lâu mới có thể giải tỏa, xóa bỏ được sự ngăn cách trong lòng người.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

Lẩn mẩn về thuế

Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng với rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam (hạng thuế cao nhất), ngay tức thì lãnh đạo các quốc gia phản ứng, mỗi anh một kiểu. Làm ăn với Mỹ không phải chuyện đùa, nhất là khi người đứng đầu Mỹ là một nhà buôn, cái gì cũng tính bằng tiền.

Phản ứng nhanh nhất, có thể nói Việt Nam. Còn có anh nào nhanh mồm hơn không thì thiên hạ chưa rõ.
Nhanh là đúng rồi, bởi lâu nay xứ ta chơi kiểu một mình một chợ, chả coi ai ra gì. Kiểu như mày áp thuế hàng tao xuất sang mày bao nhiêu kệ mày, còn tao cứ áp với hàng mày xuất sang tao thật cao, thậm chí tới 120%, quy vào hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, làm gì tao tốt.
 
Có nhẽ các nhà đặt ra chính sách thuế nước này lâu nay nghĩ rằng mày ăn cá tra, tôm sú, đi giày, mặc áo quần từ VN thì mày phải đánh thuế thấp, chứ tao không có xe mày, điện thoại mày cũng chẳng sao, tao đi bộ, tao viết thư tay, đã chết ai.
 
Lâu nay vậy. Nước ngoài không chấp, trong nước thì đã quen, chẳng chết thằng tây thằng ta nào. Thuế vớ bẫm.

Giờ vớ phải anh con buôn, "nó" chẳng oong đơ chi sất, làm cái bùm, áp thuế cao vọt, cha con nhà ta choáng váng. Đối tác toàn diện, chiến lược chiến liếc cũng mặc kệ, chẳng quan tâm đến mưu mẹo ngả ngớn tre pheo. Hình như lần đầu tiên xứ ta bị kiểu vỗ mặt thế này.

Bàn trà chủ nhật (phần 5)

Trong một tút trước, tôi từng nói rằng từ “Chủ nhật” có nghĩa ngày của Chúa nên viết hoa chữ “Chủ” bởi chủ để chỉ Chúa. Về mặt ngữ nghĩa, đó là danh từ, cần viết hoa Chủ nhật, nhưng khi từ này đóng vai trò bổ nghĩa, như một tính từ, thì chỉ viết thường. Vậy nên tôi viết “Bàn trà chủ nhật”. Ngỏ vậy để tránh sự thắc mắc.
 
Bộ máy cầm quyền xứ này lâu nay phình to, rườm rà, cồng kềnh, thừa thãi, kém hiệu quả, thậm chí vô tích sự, tốn ngân sách… tồn tại ở mọi cấp, mọi hệ thống, có thể thấy rõ nhất ở trung ương. Chỉ trừ những người thờ ơ nhất, mũ ni che tai, kệ mẹ sự đời sao cũng được, thì hầu như ai cũng biết nó thế nào. Biết nhưng phần lớn không nói, bởi ngại không phải đầu cũng phải tai, vả lại sống ở đất này người ta hiểu nói cũng chẳng tác dụng gì.

Có được nhà cai trị (cầm quyền) biết lắng nghe dân, khó như tìm đường lên giời. Xưa nay đều vậy, ở đâu cũng vậy. Đặc biệt người cộng sản không thích sự phản biện do họ luôn cho mình là đúng, sáng suốt, trí tuệ, chân lý, không sai. Nếu có sai cũng chỉ do tình thế, hoàn cảnh, bất khả kháng, khách quan, tác động từ bên ngoài, thế lực thù địch. Tôi sống trong chế độ của họ từ bé tới giờ nên biết rõ, hiểu rõ điều ấy.

Nước ta đội ngũ trí thức, tức người có học, trình độ cao, hiểu sâu biết rộng… không ít. Đội ngũ người tài ấy, nếu có thiếu, chỉ thiếu cái dũng. Thiếu dũng nên an phận, trùm chăn, quỵ lụy xun xoe, nịnh nọt để tìm sự an. An cho bản thân và gia đình, còn lại kệ. Phản biện đối với số đông này là điều hoàn toàn xa lạ. Những trí thức được lôi lên tivi không phải trí thức đúng nghĩa mà chỉ như ca sĩ có nhiệm vụ tụng ca, khen ngợi. Tivi của nhà nước, họ là người nhà nước, vặn lên thì nói thôi. Vừa đáng trách, vừa đáng thương. Phận chim trong lồng, đừng mong gì cái tâm trạng “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán” ở trí thức xứ này.

Chuyện ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt sinh thời lập “nhóm thứ sáu” để lắng nghe những lời chân thành, hoặc vừa rồi ông Nguyễn Văn Nên tổ chức cuộc gặp những người lâu nay chính quyền khó chịu, mời họ góp ý đều là sự hiếm. Nhẽ ra những chuyện như thế phải là điều bình thường trong một xã hội dân sự, dân chủ.

Nhân tiện tôi nhắc luôn. Vừa rồi trên mạng xã hội (hệ truyền thông đại chúng, nhanh nhạy, nóng sốt nhất bây giờ) có xì xào cuộc họp giữa ông bí thư Nguyễn Văn Nên và các “trợ lý” với một số người - trí thức, văn nghệ sĩ hay lên tiếng trái chiều, phản biện, góp ý cho chính quyền. Gặp ở đâu, ngày nào, ai tổ chức… đều không rõ. Một vài nhân vật tham gia cuộc “hòa hợp” ấy biên chép lại cũng không nói rõ nên người đọc khá hoang mang. Về mặt thông tin, đây là điều tối kỵ, dễ khiến thiên hạ nghi ngờ, lăn tăn hư thực. Ông hàng xóm nhà tôi còn cười, hay chỉ là chuyện cũ từ hồi nảo hồi nào. Báo chí quốc doanh tịnh không một chữ (tôi hiểu điều này, thách kẹo cũng chả dám đăng, ít nhất đã có chỉ đạo từ cấp trên). Tự do báo chí xứ này là vậy. Cũng ông hàng xóm nhà tôi, nếu có cuộc gặp ấy thì tốt, đáng hoan nghênh, chấm điểm cho ông Nên.

Sự nghi ngờ được giải tỏa khi người trong cuộc, nhà thơ Hoàng Hưng viết trên FB kể rằng cuộc gặp diễn ra ngày 30.3 tại Sài Gòn. Đài RFA đưa tin và chính ông Hoàng Hưng xác nhận. Một số “nhân vật” khác được mời cũng đã xác nhận, như GS Mạc Văn Trang, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (bận, không dự được), nhà báo Lưu Trọng Văn…

Ông Nên thực hiện vụ này có thể theo ý cá nhân ông, như ông Kiệt từng làm, nhưng cũng có thể đã bàn bạc trao đổi xin ý kiến cấp trên nữa dù ông rất cao (trời vốn cao nhưng còn có trời cao hơn). Tổ chức (thời trước người ta dùng từ này để chỉ bộ máy lãnh đạo) chưa cho phép, nhất là về những việc nhạy cảm, thì trời cũng không dám làm. Dù gì đi chăng nữa, sự đột phá tháo điểm nghẽn của ông Nên là hành động dũng cảm, được lòng người, thu phục nhân tâm. Không phải nhà lãnh đạo nào cũng dám gặp, dám nghe ý kiến “thế lực thù địch” đâu, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Chuyện đoàn (phần 4)

Đang biên dở phần 4, trưa nay tôi đọc được trên các báo quốc doanh tin “sét đánh ngang tai”, dĩ nhiên sét với đám dân bấy lâu ngây thơ “ơn đảng ơn chính phủ”, tin vào đội ngũ cán bộ. Sét rằng Ủy ban Kiểm tra trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật cả loạt cán bộ cao cấp, trong đó có Trương Hòa Bình cựu Phó thủ tướng thường trực, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Tôi kệ Bình, chả mắc mớ liên quan gì tới tay này, dù y là bạn thân của mấy người bạn tôi, còn bạn nào thì khi khác tôi sẽ nói, họ đều là người đàng hoàng, kể tên ra lúc này họ không phải đầu lại phải tai,

Trong danh sách bị “lên đoạn đầu đài” ấy, tôi để ý tới một người, tên Nguyễn Văn Hiếu. Mở Wikipedia thấy giới thiệu y là chính khách (rất kinh, xứ này nghe tới chính khách là sợ lắm, tôi từng đùa thằng cháu họ làm trưởng thôn ở quê là chính khách, nó giãy nảy), từng Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Phó trưởng ban Tuyên giáo và dân vận trung ương (Phó cho ông AK47, sau khi hai ban sáp nhập). Đưa Hiếu lên thang danh vọng, từng bước từng bước, có “công” của Nguyễn Thiện Nhân, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Nên, Trần Tuấn Anh, tất nhiên cả ông Trọng.

Xuất phát điểm của Hiếu, như bao nhiêu cán bộ lãnh đạo rồi bị kỷ luật, thậm chí bị đi tù, ở xứ này, là đoàn thanh niên, cán bộ đoàn. Hiếu từng làm bí thư Thành đoàn, cũng như Tất Thành Cang làm bí thư Thành đoàn TP.HCM. Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc) cũng đi lên từ cán bộ đoàn. Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai từ đoàn chứ đâu. Và nhiều lắm. Đoàn là cái tổ con tò vò.

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Chuyện đoàn (kỳ 3)

Sau khi bản sơ yếu lý lịch ở mục “đảng viên, đoàn viên” được nắn nót chữ “đoàn viên” mà không phải gian dối, sợ sệt, lo lắng gì nữa, tôi yên tâm nộp hồ sơ dự thi, rồi chó ngáp phải ruồi, đậu. Tháng 10.1972, thằng bé lặn lội lên tận tỉnh Hà Bắc, huyện Yên Phong, xã Yên Trung, thôn Sát Thượng ven sông Cầu, nơi khoa Văn, trường Tổng hợp đang sơ tán ở đó, nộp hồ sơ, giấy báo nhập học. Người ta cũng chả thèm xem lý lịch để biết cái đứa nhếch nhác nhà quê kia có phải đoàn viên không, chỉ săm soi kỹ cái giấy cắt hộ khẩu và phiếu chuyển lương thực. Khổ, đứa ranh ở nông thôn cả đời chỉ ăn bám thày bu, lấy đâu ra lương thực mà chuyển, nhưng họ máy móc đặt ra quy định vậy, cứ phải có phiếu chuyển thì mới được cấp tiêu chuẩn lương thực mới, tôi nhớ láng máng 17kg/tháng. Tiền ăn (học bổng) 18 đồng/tháng.
 
Gọi là tiêu chuẩn lương thực và học bổng nhưng có bao giờ thấy mặt nó đâu, bởi người ta mặc nhiên giao hết cho phòng hành chính quản trị, cho nhà ăn, cho chị Thụy anh Nghề. Được cái “nhà nước” thời đó rất sòng phẳng, nếu hè hoặc tết, sinh viên về quê, cắt cơm, thì phần lương thực không nấu không ăn được quy ra tem lương thực. “Mệnh giá” nhỏ nhất của tem lương thực là 25gr. Đám chết đói lại lấy tem đó vào Thượng Đình hoặc ngã tư Sở mua bánh mì (phải có tem lương thực mới mua được), cứ 225gr cộng 1 hào thì được một ổ; hoặc đổi bánh cuốn cho mấy chị huyện Thanh Trì bán dạo trong các khu ký túc xá. Công nhận bánh cuốn Thanh Trì ngon, khổ nỗi đói 24/7 thì thứ gì chả ngon. Gái Thanh Trì bán bánh cuốn cô nào cũng được nước, có nhẽ do ăn nhiều bánh cuốn.

Từ khi nhập học tới khi ra trường, tôi chả thấy ai kêu mình sinh hoạt đoàn. Bọn sinh viên không khoái đoàn đội nên đứa nào cũng lờ đi. Tiếc cái công phấn đấu hồi cuối năm lớp 10. Biết thế chả thèm vào, chả “đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng” làm gì. Tới giờ tôi bặt không nhớ tí ti lớp mình có chi đoàn hay không, đứa nào làm bí thư, trong khi nhớ rõ ai bị hắc lào, ai có xe đạp, cặp nào yêu nhau. Đảng, bọn sinh viên còn nhìn bằng nửa con mắt, đoàn là thá gì.

Nhưng có đoàn khoa, đoàn trường. Hệ thống chính trị nó vậy, cứ phải đủ ban bệ, tay phải tay trái. Nhớ đoàn khoa năm đó bí thư là anh Nguyễn Xuân Liễu hình như K14 hoặc K15, chữ viết bảng cực đẹp. Cứ có thông báo gì của đoàn khoa, đoàn trường là bác Liễu lại lom khom tay phấn tay giẻ nắn nót vào cái bảng ngay gốc xà cừ gần bể nước công cộng. 

Có lần tôi còn nhìn thấy bí thư đoàn trường Tổng hợp (trường to nhất miền Bắc) trong hội diễn văn nghệ trường ở hội trường Mễ Trì, nghe người trong ban tổ chức (bây giờ gọi là MC) giới thiệu “anh Nguyễn Tiến Võ, bí thư đoàn trường”, anh Võ ngồi cạnh thầy Nguyễn Đình Tứ bí thư đảng ủy trường, đứng lên. Vỗ tay rào rào. Chức bí thư đoàn trường hồi ấy to lắm. Sau 1976 đám chúng tôi ra trường tung tóe đi khắp nơi, vài năm sau đọc báo thấy đăng anh Nguyễn Tiến Võ về Ủy ban trung ương MTTQ, hình như còn to nữa, từ bấy lờ mờ hiểu muốn làm to phải chui vào đoàn. Thì thầy Tứ cũng về Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, làm bộ trưởng, rồi từng ủy viên bộ chính trị, chỉ có điều không kịp nhậm chức phút giây nào. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Kỷ sở bất dục

Có lẽ nhân cái vụ bị Mỹ áp thuế cao như lần này, chính quyền VN cần tỉnh ra, tự coi lại mình, nhất là lâu nay cứ một mình một chợ làng Vũ Đại.

Nói đâu xa, vụ đánh thuế ô tô nhập khẩu. Lấy lý do hạ tầng chưa đáp ứng, bảo vệ hàng nội, bảo vệ môi trường, v.v.., các bố áp cho xe ô tô thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh thuế cao ngút trời. Thằng chế tạo xe bán sản phẩm ra thị trường được lời bao nhiêu không rõ trong giá bán nhưng nhà thuế xứ này ngồi mát ăn bát vàng, chơi luôn 120%, quá tàn bạo với người có nhu cầu mua xe.
 
Chả làm đếch gì mà lợi khẳm như vậy, chỉ có thể gọi là siêu bóc lột, bọn tư bản giãy chết phải gọi bằng cụ. Thằng còng làm cho thằng ngay ăn.

Biết nó (thuế) tàn ác, độc địa như vậy nhưng suốt bao năm dân xứ này vẫn cun cút đóng "thuế máu", "siêu thuế", không dám hó hé lấy một lời, có thở than tí chút thì tị nạnh sao ở Campuchia ở Lào xe rẻ thế, thuế thấp thế, dân sướng thế...

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Lễ Phục sinh và nhà thờ

Đã sang đầu tháng tư tây, hôm nay 1.4. Nhà cháu không có ý định viết gì về ngày này, còn được gọi là "cá tháng tư", ngày nói dối; cũng không về 24 năm ngày mất (1.4) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ "vĩ đại" nhất xứ này, mặc dù đang nghe "Sơn ca 7" bản thu trước 1975 (bản hay nhất). Nhà cháu chỉ đăng lại có bổ sung bài nhỏ về sự kiện lớn, cực lớn: Lễ Phục sinh, bởi sắp tới lễ rồi.

Năm nay 2025, lễ Phục sinh, ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất của đạo Thiên chúa (công giáo) sẽ diễn ra vào Chủ nhật (Chúa nhật, ngày của Chúa) 20.4.
 
Khác với lễ Giáng sinh (Chúa ra đời) cố định ngày 25.12 hằng năm (trước đó, vào tối 24 là Noel), lễ Phục sinh có thể vào tháng 3 hoặc tháng 4, không cố định ngày nào nhưng phải vào Chủ nhật. Ấy, tôi có nghe một người bạn có đạo giảng cho vậy. Xin được tỏ lòng cảm ơn chị Anna Teresa Nguyen đã giác ngộ cho kẻ vô đạo.

Điều đầu tiên cần tỏ bày, rằng kiến thức của tôi về đạo Thiên Chúa, Ki tô giáo… rất lơ mơ ít ỏi. Một kẻ vô thần, lại lớn lên và trưởng thành ở miền Bắc trước năm 1975, chỉ được nhồi nhét chủ nghĩa Mác - Lê Nin vô thần, tận mắt chứng kiến những nhà thờ bị đập phá, đọc nhiều sách viết bậy bạ về nhà thờ, về các đức cha, linh mục (như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan, Bão biển của Chu Văn, Xung đột của Nguyễn Khải…), nghe những câu xàm xí về Đức Chúa và hang đá, thấy những người có đạo bị hắt hủi, thậm chí bị công khai gạch tên, loại bỏ khỏi danh sách này nọ (không kết nạp đoàn, kết nạp đảng, không bổ nhiệm làm lãnh đạo), khi khai lý lịch trong mục “Tôn giáo” nếu ghi “không” sẽ được coi là ưu điểm… thì làm sao có thể hiểu sâu biết kỹ về các tôn giáo. Đầu óc cả đám bị đổ bê tông bởi câu loạn xằng của Các Mác ông tổ cộng sản “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Thời sự: Sáp nhập tỉnh

Hôm nay 30.3.25 trên báo Tuổi Trẻ có bài về chuyện này, “Vì sao giữ nguyên 11 tỉnh thành khi sáp nhập?”. Cứ như lời một ông “nguyên” (giờ có còn làm gì nữa không thì chả rõ, bởi những từ “nguyên”, “cựu”, “đương” lâu nay bị nhập nhèm) là Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) thì:

TP.Huế không cần sáp nhập với tỉnh nào bởi nó mới được (trung ương và quốc hội) công nhận là thành phố trực thuộc trung ương. Giời ạ, lý do lý trấu, rất vớ vẩn. Nếu đó là lý do để không sáp nhập Huế với tỉnh khác thì chẳng qua nhằm chữa cái thẹn về tầm nhìn thiển cận, biết sắp có đợt sáp nhập mà vẫn cứ làm liều. Vả lại dù có là thành phố trực thuộc trung ương đi chăng nữa thì đâu có nghĩa được đặc cách, hãy coi Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ kia kìa.

Ông Thắng cũng giải thích các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và một số tỉnh khác không cần sáp nhập bởi lý do quốc phòng, an ninh. Cũng vớ vẩn nốt. Đó là thứ lý do rất chung chung, cũng như nhà nước muốn thu hồi đất của ai cứ trưng lý do quốc phòng an ninh, cấm cãi. Cả nước này chỗ nào mà chẳng quốc phòng an ninh.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2025

Chuyện đoàn (phần 2)

Rốt cục, Thành được kết nạp đoàn, là đoàn viên nhưng lại đi bộ đội, cùng đợt với thầy Mễ chủ nhiệm, các bạn Như, Thảo, Tiến, Thanh, Sơn, Lĩnh, Biên tây... Tôi được hoãn bởi anh ruột đang đánh nhau bên Lào rồi. Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn, tháng 4.1972. Đoàn viên Thành vào mặt trận Quảng Trị, cái cối xay thịt thành cổ hè 1972, may nhờ phúc ấm tổ tiên, ông bà phù hộ, nên chỉ sứt mẻ trở về. Cứ mỗi lần nhắc tới đồng đội thành cổ, y mắt đỏ hoe, khóc rưng rức.

Nhắc tới đoàn, đừng quên tên của nó. Những năm 60 - 70, tên Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, bởi đảng sinh ra nó là Đảng lao động Việt Nam. Cha nào con ấy. Giỏ nhà ai, quai nhà nấy. Nghe khá gần gũi, chả cộng sản cộng siếc xa lạ như sau này. Khi tôi vào đoàn năm 1972, trước đó nó đã được đổi thành Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, sau khi cụ Hồ mất mấy tháng. Tới năm 1976, đất nước thống nhất, lại có tên mới - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đổi xoành xoạch. Người ta giải thích rằng đổi để phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Cũng chả biết có hay hơn không, chứ tôi thấy mới như cũ, có thêm chữ “cộng sản” vào, khô đoàn nhạt đảng, nặng chính trị chính em, già bỏ cụ.

Nhớ hồi đoàn thay tên năm 1976, ông anh tôi bảo, cứ Liên Xô có gì, tên gì, thì ta bắt chước cái ấy, tên ấy. Nó có chính phủ/thủ tướng thì ta copy chính phủ/thủ tướng. Nó đổi chính phủ thành hội đồng bộ trưởng/chủ tịch hội đồng bộ trưởng, thì ta lon ton đổi theo. Ông Phạm Văn Đồng từng đóng cả thủ tướng lẫn chủ tịch hội đồng bộ trưởng, những gần 32 năm. Ông Phạm Hùng cũng là chủ tịch hội đồng bộ trưởng chứ không phải thủ tướng, tới lúc chết (giữa tháng 3.1988). Một thời gian sau, Liên Xô đổi mới… như cũ, quay về tên chính phủ/thủ tướng, ta cũng chuyển mình đổi mới… như cũ. Đèn cù vòng quanh. Tên đoàn cũng đổi, na ná đám Komxomon Liên Xô vậy. Anh tôi còn thắc thỏm, tao cứ tiếc cái tên có chữ “lao động” thời Vũ Quang làm bí thư thứ nhất (ông này có bà vợ là diễn viên nổi tiếng, đẹp lắm), vừa sát hợp, vừa chân thật, giản dị.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Chuyện đoàn

Đoàn mà tôi nhắc trong bài này là đoàn thanh niên, thanh niên cộng sản, cánh tay đắc lực của đảng. Họ còn gọi là cánh tay phải. Có phải cánh tay không, tay phải hay tay trái, thú thực tôi không biết.

Hôm qua 26.3, như thường lệ là ngày kỷ niệm sinh nhật đoàn. Năm nào cũng vậy, người ta làm ầm ĩ lắm. Năm nay lặng hơn nhạt hơn, có lẽ do năm lẻ. Đoàn sinh ngày 26.3.1931 (thì nghe nói thế, chứ bịa ra một ngày nào có khó gì, ngày sinh ngày chết còn bịa được cơ mà), tính đến 2025 tròn 94 niên. Xứ này rất lạ, 94 thì bị coi là năm lẻ, nhưng 95 (năm sau đó) lại là năm chẵn. Không chỉ đoàn, mà với cả đảng, nước, các idol đều được tính kiểu vậy.

Ở một nước rất sính hình thức, thích hoành tráng cờ quạt, tượng to nhà lớn thì việc tổ chức kỷ niệm này nọ quanh năm suốt tháng. Không lễ lạt chính trị, có khi lại buồn, thiếu sinh sắc. Tốn tiền nhưng vui, quên đi cái nghèo. Về trò này, Triều Tiên là nhất, xứ ta chưa đạt tầm.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2025

Bàn trà chủ nhật (phần 4)

Hôm nay thứ tư (26.3.25), giữa tuần chứ không phải chủ nhật nhưng bàn trà vừa bị ngưng hơi lâu bởi mấy hôm rồi kẻ hèn bận bịu quá, trong khi bao điều cần nói ra, cực kỳ cấp thiết, nóng bỏng.

Công cuộc đổi mới lần này do ông Tô Lâm đứng đầu, chủ trì, cầm trịch đang thu hút cả những người thờ ơ thời cuộc nhất. Ông hàng xóm nhà tôi hôm nọ bảo giá như tay Tô Lâm (ông ấy xưng hô như thế bởi hơn ông Tô cả mười mấy tuổi) là nhân vật được lịch sử chọn lựa hồi nửa cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thì có lẽ nước ta, đám chúng ta đã khác, không tậm tọe, ậm ạch, nửa dơi nửa chuột như bây giờ.

Lãng phí thời gian của cả một dân tộc, của gần trăm triệu con người, phải nói thẳng ra đó là tội ác, chứ không phải thành công thành kiếc gì. Thói tự sướng diễn ra quá lâu, cần phải dẹp. Ông Tô Lâm đang làm cuộc dọn dẹp ấy. Đó là thực tế, còn nó có thực sự mục đích và thành công hay không thì phải chờ, đừng nóng vội ngày một ngày hai. Vẫn biết “dục tốc bất đạt”, nhưng các bác “đổi mới, cách mạng” ạ, không thể chờ đợi quá lâu, kiểu như ở xứ này chờ trải qua thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội hết tới mấy đời người.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2025

Bàn trà chủ nhật (phần 3)

Có người bảo việc đại sự quốc gia để yên cho người ta làm, mình biết gì mà ý kiến ý cò. Dạng suy nghĩ thế rất phổ biến ở xứ này. Một kiểu sống dựa dẫm, sống chết mặc bay, vô nghĩa.

Đã quá lâu, mấy chục năm ròng, người ta mặc nhiên chấp nhận hình thái bộ máy cầm quyền, hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức đoàn thể, nhân sự thế này thế nọ. Mũ ni che tai. Kệ tất. Tặc lưỡi, đảng, trung ương, các ông bà lớn đã quyết rồi, là xem như đã an bài, chỉ cần phục tùng, không bàn cãi nữa. Giống như con người vậy, được may cho cái áo, dù rộng hẹp, xấu tốt thế nào cũng mặc, phải mặc. Nhiều ông bà còn trưng trong nhà chữ “nhẫn”, xem đó như phương châm sống.

Sau khi người cộng sản đánh đổ phong kiến thực dân, xóa bỏ bộ máy quân chủ, “rồng năm móng vua quan thành bụi đất”, chế độ mới dân chủ cộng hòa được xác lập. Chỉ có điều, vua bị lật bị chôn vùi vĩnh viễn, thì cơ chế đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện, quyết định mọi việc cũng không khác gì vua, còn hơn cả vua, bảo hoàng hơn vua. Suốt bao nhiêu đời bí thư thứ nhất (một dạng tổng bí thư), tổng bí thư, những ông vua mới đã nắm và quyết tất. Điều đó có thể thấy rõ nhất dưới triều ông Lê Duẩn bí thư thứ nhất và ông Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư. Hồi tôi còn làm báo quốc doanh, được quán triệt quy định, trong bài viết, vị trí của các nhà lãnh đạo cứ theo trật tự bất di bất dịch: Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội. Ông tổng bí thư dù có khù khờ “trồng cây gì nuôi con gì” hoặc bị thiên hạ coi là lú lẫn lý luận suông thì vẫn cứ ở vị trí thứ nhất, hàng đầu. Dân, nước bị đặt vào thế “may nhờ, rủi chịu”.

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Bàn trà chủ nhật (phần 2)

Hôm nay thứ sáu nhưng đây là phần 2 của "Bàn trà chủ nhật" ạ.

Không phải ngẫu nhiên ông Tô Lâm đưa ra những khái niệm/cụm từ ngữ/từ mới, chẳng hạn “kỷ nguyên mới”, “điểm nghẽn”… rất nhạy cảm. Thời ông Trọng làm mưa làm gió suốt hơn chục năm, cả cán bộ lẫn dân thường, không ai dám nói dám dùng những từ ngữ ấy bởi bị coi là đụng chạm, thù địch, âm mưu “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, có thể đi tù.

Khi người đứng đầu luôn tự sướng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay” (câu này được ông Trọng nhắc đi nhắc lại nhiều lần mỗi khi có dịp, từ năm 2021 tới 2024), “Mây đen bao phủ toàn cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng rực rỡ ở Việt Nam” (phát biểu năm 2019 và sau cũng nhắc lại nhiều lần) thì đố đứa nào dám đòi vào kỷ nguyên mới, đòi tháo điểm nghẽn. Hiện tại tốt đẹp như vậy rồi, đòi vào kỷ nguyên mới có nghĩa là phủ nhận, chưa hài lòng hiện tại. Phát triển thông suốt như thế rồi, lấy đâu ra điểm nghẽn. Cãi với người chỉ sống bằng lý luận, nhắm tịt mắt trước hiện thực, nói thẳng ra chỉ có chết.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2025

Lời chân thật

Tôi quý trọng nhiều việc ông Tô Lâm đang làm, mong ông làm được và thành công nên thẳng thắn góp ý điều này. Những người thờ ơ thì họ kệ, kiểu như tội gì ôm rơm rặm bụng, chẳng phải đầu cũng phải tai. Tôi thì không. Thấy ông và bề tôi (của ông) làm được điều tốt thì lấy đó làm phấn khởi, cảm nhận ông có nguy cơ bị chê cười thì can gián để biết mà tránh. Tới tuổi này rồi, tôi chả sợ gì ngoài sợ mệnh trời. Nếu gán tôi là thế lực thù địch thì chỉ thù địch cái xấu cái ác.

Hôm 17.3 (2025), nhiều báo mậu dịch hồ hởi đăng “Gần 500 diễn viên tham gia vở đại nhạc kịch kể về cuộc đời đại tá Tô Quyền”.

Đại tá ở xứ này đông hơn quân Nguyên, hầu như không mấy ai biết. Em tôi, cháu tôi ăn lương đại tá, nhưng cả làng chả mấy ai biết. Đại tá phổ cập chẳng khác gì phổ cập trung học cơ sở. Ra ngõ gặp đại tá.

Tướng xứ này cũng nhiều như lợn con, nhất là dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông phong tướng lia chia, dễ như rút ra từ túi áo, đếm mệt nghỉ, cả công an lẫn quân đội hơn 800 tướng. Chỉ tổng biên tập một tờ báo ngành mà cũng trung tướng, trưởng đoàn ca múa đeo lon thiếu tướng… Tướng nhiều tới mức thiên hạ nỏ biết là ai, huống hồ đại tá… quèn.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2025

Không có vùng cấm

Thời ông Trọng, ổng chống tham nhũng rất quyết liệt (nghe đồn vậy). Lò cháy rừng rực. Chính ông ấy luôn nhắc nhở bề tôi, bộ hạ rằng "không có vùng cấm". Ai nghe cũng phấn khởi, chỉ có điều không tin lắm.

Giờ thì tôi không tin cả ông ấy lẫn bề tôi. Cấm bỏ mẹ đi, chứ ở đó mà không.

Báo mậu dịch viết ra chứ không phải tôi bịa, mà báo cũng chỉ dựa vào kết luận điều tra chứ chắc bản thân nó không muốn viết lừng khừng ỡm ờ. Nhưng có người bảo nói toẹt mẹ nó ra có khi mất hay bởi "lãnh đạo cấp trên" đâu phải chỉ một đứa.

Tuổi Trẻ viết: Cựu chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít nhận 75 tỉ, chi một phần mua đất cho "lãnh đạo cấp trên".

VnExpress viết: Hậu "Pháo" tài trợ 75 tỉ đồng cho huyện Mang Thít để lấy lòng "lãnh đạo cấp trên".

v.v..

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2025

Bàn trà chủ nhật

- Hôm qua, thứ bảy 15.3, các cơ quan truyền thông nhà nước đều thông tin Tiểu ban văn kiện của đại hội 14 họp. Đứng đầu tiểu ban này tất nhiên ông Tô Lâm, bởi đây là bộ phận quan trọng nhất chuẩn bị đại hội. Ông Trọng các nhiệm kỳ trước đều vậy, giành đứng đầu. Nó (tiểu ban văn kiện) quan trọng bởi đưa ra đường lối chính sách, vạch hướng đi. Mà nó đã đưa ra rồi, thì đại hội cứ thế biểu quyết, bàn bạc chỉ cho có. Đại hội (tức trung ương) đã biểu quyết rồi thì từ trên xuống dưới, nhà nước, chính phủ, quốc hội tới tận thôn ấp cứ thế làm. 5 năm sau mới có thể điều chỉnh khi chuẩn bị đại hội kế tiếp. Dài lắm, chứ không phải như người ta nói “5 năm, mới bấy nhiêu ngày” tự sướng.

Kể từ ông Trọng - nhà lý luận suông vĩ đại, trở về trước, điều quan trọng nhất trong những điều quan trọng của văn kiện đại hội đảng là vấn đề đường lối, vẫn một mực trung thành, “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, bởi người cộng sản có niềm tin rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực sự đem lại cuộc sống ấm no, công bằng, hạnh phúc cho con người. Suốt hơn 2/3 thế kỷ họ đã tin như thế, một niềm tin mù quáng trong khi lý luận và thực tiễn đối lập nhau một trời một vực. Chừng ấy thời gian, nếu chủ nghĩa xã hội thực sự như họ nghĩ thì nước này thành thiên đường từ lâu rồi, đám G7, Qatar, Thụy Sĩ chỉ có xách dép lẽo đẽo theo, còn bọn Sing, Hàn, Thái đứng đó mà mơ.

Điều may mắn cho nhân loại, cho rất nhiều nước trên địa cầu đã một thời u mê hoặc bị ép buộc, là chủ nghĩa xã hội với thứ học thuyết trên mây của nó đã sụp đổ, tan tành. Nó bị các nạn quốc ném vào sọt rác, để rảnh chân rảnh tay làm ăn bước trên con đường mới, xây dựng hạnh phúc thực sự, chứ không phải thứ hạnh phúc giấy chỉ dành cho một đám người.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2025

Anh Nguyễn Thụy Kha

Tôi không có hân hạnh chơi với anh Nguyễn Thụy Kha, cũng không được làm bạn, cả đời chỉ gặp nhau mấy lần trong đám đông, trò chuyện riêng với nhau nếu tính đủ cộng gộp lại cũng chỉ mươi phút.

Ấy, cứ bộc bạch như vậy cho thật thà, tránh điều “thấy người sang bắt quàng làm họ”. “Chức” cao lắm với tôi cũng chỉ là đồng hương bác Kha, cùng quê xứ Phòng.

Hôm qua 13.3.25, đọc tin bác Kha mất, tôi không vội nói gì bởi ngại thiên hạ bảo mình “đu trend” này nọ. Hôm nay, khi bác đang ngủ yên nghỉ ngơi sau cuộc “cộng thùy tranh tuế nguyệt” (đua tranh cùng năm tháng) rồi, tôi nguyện cầu bác lên đường thong dong và chỉ kể tí ti về người mình kính trọng, yêu mến.

Lứa chúng tôi kém bác Kha gần chục tuổi nhưng nghe tên bác hơi bị nhiều. Nguyễn Thụy Kha thuộc thế hệ áp chót của nền văn nghệ thời chống Mỹ, cùng đội ngũ Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến… chênh nhau một đôi tuổi. Đều có tài, dẫu chưa xuất chúng như Phạm Tiến Duật nhưng họ thuộc hạng “vua biết mặt, chúa biết tên”. Tôi nghe tên bác Kha từ thời sinh viên, nể lắm, có lần khoe với bạn để thập thò ý “ông này đồng hương với tao đấy”. Tôi cũng thường nhầm sáng tác của Nguyễn Thụy Kha với của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Đình Bảng - những người viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc nhanh nhoay nhoáy.

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2025

Báo dốt

Tôi ít khi chê bai người khác, nếu có nói/viết gì cũng chỉ cốt vạch (cào) ra cái dở của họ mà thôi. Nhưng trường hợp này thì phải nói thẳng là dốt. Người đọc thời nay quay lưng với báo, nhất là báo quốc doanh, bởi họ khó chịu với thứ dốt như vậy.

Cụ thể, báo Vietnamnet (VNN) trong bản tin đăng ngày thứ hai 10.3.2025 lúc 20 giờ 27 viết (cả trên tít lẫn trong bài): “Indonesia bắn 21 loạt đại bác chào đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân”.

Đứa viết và đứa duyệt đăng đều không chỉ dốt tiếng Việt, mà còn không có kiến thức về nghi lễ này.

Trong trường hợp đón khách quý, những nhân vật đặc biệt, khi hành xử phép ngoại giao người ta thường bắn đại bác để chào mừng. Vụ này có nguồn gốc từ xưa, ai muốn biết cứ tra gu gồ, tôi không cần nhắc ra đây. Bắn 21 phát, xin nhớ là phát.

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2025

Đâu chỉ ‘Hàm cá mập’

Xứ này vốn đã nhiều chuyện, ngay cả lúc ăn lúc ngủ, chuyện lớn chuyện nhỏ chả sơ sểnh tí nào, nên khi chính quyền Hà Nội định phá tòa nhà Hàm cá mập và giải tỏa một số công trình mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng ven hồ Gươm, thế là thiên hạ tha hồ bàn tán, chuyện nở như ngô rang. Nói mãi chuyện Ukraine, chuyện Trump cũng chán.

Chính quyền luôn là nơi cung cấp đề tài mới cho dân buôn chuyện, bà tám, các nhóm buôn dưa lê, thông tấn xã vỉa hè, mạng xã hội. Xứ này không sợ bị cắt starlink. Có đâu mà cắt, và lại nếu có rồi bị cắt, dân ta vẫn phát sóng mồm được như thường.

Ở thủ đô (chữ “thủ đô” chỉ cần viết thường, chữ “tổ quốc” cũng vậy, chả biết ông bà nào quy định bắt phải viết hoa, rõ thật là), kể ra những công trình kiến trúc xấu xí có mà đầy, đâu phải chỉ con cá mập há hàm ven hồ Gươm kia.

Chả cần kể đâu xa, ngay lối Đinh Tiên Hoàng sát hồ, cứ tính từ ngã tư Tràng Tiền (nơi gặp nhau 4 con đường) về tới nhà Hàm cá mập, tới quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, những công trình mới sau 1975 như nhà bưu điện (do Trung Quốc xây), tòa nhà trụ sở ủy ban thành phố (chỉ cần gọi ủy ban là đủ, nên bỏ chữ nhân dân màu mè đi), rồi xung quanh nữa là cung thiếu nhi (có cái tháp kỳ cục), nhà bảo tàng Hà Nội (lộn ngược)… trông gớm chết.

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2025

Còn điểm nghẽn

Bỏ cấp huyện, nói cho cùng cũng được, để bộ máy cai trị bớt sự nặng nề, cồng kềnh, tốn tiền; dẹp được cả đám khổng lồ cán bộ vô tích sự hành dân. Chúng chỉ giỏi họp hành chứ không làm được trò gì. Tôi từng là dân huyện, tôi biết.
 
Nhà tôi suốt mấy chục năm cả thày bu tôi, các anh chị em tôi chưa hề lên huyện, chỉ trừ lần tôi tìm đến (nơi chính quyền huyện sơ tán) xin chứng nhận cái giấy đi học đại học, bởi thực ra chả có việc chi, mà họ cũng chẳng bao giờ quan tâm đến mình. Dân quê tôi 99% không hề biết tên chủ tịch huyện, các thời kỳ đều vậy.

Giờ mới tính chuyện bỏ là đã khí muộn, chứ nhẽ ra phải bỏ lâu rồi. Dân còng lưng nuôi đám trung gian đó đã kiệt quệ sức lực từ tám hoánh.
 
Nhưng tôi cho rằng bỏ bộ máy hành chính/quản trị huyện không có nghĩa bỏ đơn vị cấp huyện về mặt địa lý. Sáp nhập cho gọn lại thì được, nhưng không cần bỏ. Ít nhất thì khi mở Google Map tìm đường đi, nó cũng chỉ dẫn dễ hơn.

Ông hàng xóm nhà tôi thắc mắc, thế họ có định bỏ huyện ủy không, sao chưa thấy nói. Đó mới là điểm nghẽn, vướng víu ách tắc lớn nhất. Chính quyền mà còn bỏ được, công an còn bỏ được, thì huyện ủy tồn tại làm gì cho cô đơn, trống vắng chiều nay.

Mấy cái trụ sở huyện ủy, ủy ban mà chuyển đổi công năng, sửa thành trường học thì trên cả tuyệt vời, không phải lo thiếu trường lớp nữa.

Nguyễn Thông

Từ "chiến dịch đặc biệt" đến xâm lược toàn diện: có một thứ nhận thức lệch lạc

Bác sĩ Dương Đức Tú - bàn tay vàng nha khoa, chủ phòng răng Bến Thành nổi tiếng ở TP.Nha Trang không chỉ cực giỏi về chuyên môn, còn là người rất quan tâm đến thời cuộc. Mọi vấn đề đều được anh nhìn nhận dưới góc độ của một người tử tế.
Hôm qua 8.3, khi thiên hạ đang xôn xao nhộn nhịp với ngày phụ nữ, tặng hoa, chúc tụng... thì anh lui cui viết và thể hiện suy nghĩ của mình về phụ nữ và chiến tranh.
Rất kính trọng bác sĩ Tú, tôi xin giới thiệu bài của anh ấy.

******

Hôm nay ngày quốc tế phụ nữ, tôi gửi đến tất cả chị em bạn bè người thân tôi, bông hoa đẹp nhất - bông hoa hạnh phúc!

Tôi gửi những người phụ nữ Ukraina bài viết này.

Hơn ba năm kể từ ngày Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine vào tháng 2.2022, thế giới đã chứng kiến một thực tế khốc liệt: hàng trăm nghìn binh sĩ thương vong, hàng triệu người dân Ukraine mất nhà cửa, và một đất nước từng yên bình chìm trong khói lửa.

Đến tháng 3.2025, những gì khởi đầu với cái tên mỹ miều “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã lộ rõ bản chất là một cuộc chiến tranh tổng lực, bất chấp những lời biện minh ban đầu từ Điện Kremlin về “phi phát xít hóa” hay “bảo vệ người nói tiếng Nga”. Nhưng trong khi sự thật dần phơi bày trên chiến trường, một điều đáng ngạc nhiên lại xảy ra ở Việt Nam - một quốc gia từng tan nát vì chiến tranh ngoại xâm: không phải tất cả đều đồng cảm với Ukraine. Thay vào đó, một bộ phận người Việt vẫn kiên định ủng hộ Vladimir Putin, bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi.

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2025

Thủ phạm phá tiếng Việt

Nhiều “tờ” báo quốc doanh (gọi tờ theo thói quen, chứ bây giờ chủ yếu báo điện tử, báo mạng) hôm qua 7.3 đồng loạt đưa tin “Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thăm cấp Nhà nước tới Indonesia, thăm chính thức Ban Thư ký ASEAN và Singapore”.

Thăm ai, đi đâu, thăm thế nào là chuyện của giới lãnh đạo. Ở đây, tôi chỉ nêu vấn đề người Việt dùng tiếng Việt, cụ thể trong cái tít dở ngô dở ngọng kia.

Không chỉ lần này họ diễn đạt kiểu như trên với trường hợp chuyến công du của ông Tô Lâm. Đã rất nhiều lần tiếng Việt bị phá như thế rồi, nhất là thời ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi từng nghe kể chính ông Trọng đã chỉ đạo phải viết như vậy. Không thể hiểu nổi, một vị cầm đầu, là chuyên gia số 1 về lý luận, từng học chuyên ngành văn chương-tiếng Việt, mà lại phá khiếp. Triều đại ông Trọng, tiếng Việt bị phá nhiều nhất, “suy thoái” nhất, không còn gì là chuẩn, không tuân theo quy tắc đã được tôn trọng.

Tiếng Việt có những quy tắc, cấu tạo, ngữ pháp đã được coi là chuẩn mực, dù diễn đạt thế nào cũng phải tuân theo những chuẩn mực ấy. Ví dụ đặt câu, dứt khoát phải đủ thành phần, ít nhất cũng đủ chủ - vị - bổ, có tắt gọn hơn chăng nữa thì cũng phải chủ - vị. Đặt câu cho đúng là yêu cầu sơ đẳng nhất của người sử dụng ngôn ngữ.

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Thời sự hơi nóng (kỳ 3)

Nhiều năm trở lại đây ở nước này, thông tin thời sự không còn là độc quyền của báo chí truyền thông quốc doanh (báo, tivi, đài, hệ thống tuyên giáo) nữa, mà được thay bằng internet, mạng xã hội. Đã hết thời “nghe đài đọc báo của ta/đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/tin đài tin báo của ta/đừng nghe tin địch ba hoa nói xằng”.
 
Công nghệ số, nhất là mạng xã hội, đang thống lĩnh đời sống tin tức, thu hút mọi người. Đó không phải “địch” như cái thói nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, mà là hệ thống thông tin đại chúng. Tất nhiên nó có cái hay cái dở, thứ đúng thứ sai, mặt này mặt nọ, nhưng dẫu sao cũng còn hơn kiểu thông tin một chiều có định hướng, có chỉ đạo của báo đài quốc doanh, của tuyên giáo, của đảng.
 
Nói không quá đáng, báo quốc doanh đang thở hắt những tàn hơi cuối cùng trong giây phút định mệnh không tránh khỏi. Dù nhà cầm quyền có cố gượng quy hoạch báo chí vực cho nó sống sót để làm nhiệm vụ của tuyên giáo, “sửa sai sửa lại sửa đi/sửa thì cứ sửa sai thì cứ sai”, nhưng cứ luẩn quẩn theo kiểu cách quản lý cũ, siết vòng kim cô cũ kỹ đã hết phép nhiệm màu thì cái chết là không tránh khỏi. Tôi nói thật.

Mạng xã hội cũng đa dạng như cuộc sống, như đời thực. Cuộc đời có thế nào thì nó (mạng) như vậy. Hay dở, tốt xấu… có tất. Những nhà quản lý, nhất là những ông bà tuyên giáo, cứ mở mồm ra là chê bai mạng xã hội, cảnh báo con người phải đề phòng, thực ra chỉ nhìn một phía, không hiểu gì về nó hoặc rất hời hợt. Họ ứng xử với mạng xã hội thế nào thì cách họ nhìn nhận xử lý cuộc sống cũng vậy. Chết nỗi họ lại ngồi ghế lãnh đạo, cầm quyền. Bi kịch ở chỗ đó.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

Vào kỷ nguyên mới chưa?

Nghe “mới” ai mà chẳng thích. Họa chỉ có gỗ đá hoặc kẻ khư khư bám lấy cái cũ lỗi thời để vinh thân phì gia thì mới lạnh lùng, dửng dưng, không muốn “vào”. Vào kỷ nguyên mới không có nghĩa xóa bỏ hết thứ cũ, nhưng những gì đã quá vướng víu, cản trở, tai hại thì nên bỏ.

Tôi rất ghét câu dạy đời “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” bởi nó rất hồ đồ. Có những thứ quá khứ cần bị đào sâu chôn chặt mới vươn tới tương lai được, vào kỷ nguyên mới được.

Những nhà lãnh đạo, cầm quyền nước này đã không ít lần chủ trương “gác lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Đó là nhận thức, tư duy cởi mở, nhất là ở một nước từng chiến tranh liên miên với nhiều kẻ thù. Chỉ có điều, chủ trương ấy bị “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, không được thực thi tử tế. Điều đó ta có thể thấy rõ nhất trong quan hệ của nước này với Trung Quốc và Mỹ. Tôi không cần nhắc ra đây, bởi hầu như ai cũng rõ.

Từ đầu năm tới giờ, thậm chí từ năm ngoái, bộ máy từ trung ương tới địa phương nhắc nhỏm nhiều về việc tuyên truyền những “ngày lễ lớn” và sự kiện trọng đại trong năm 2025. Tất nhiên ở vị trí đầu của chuỗi việc trọng ấy là kỷ niệm “50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - 30.4. Cụm từ ấy qua nửa thế kỷ tồn tại đã tới lúc cần được xem xét lại, thậm chí khí muộn.

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2025

Hòa bình?

Tôi muốn hỏi những ông bà Việt, những người khẳng định rằng “Ông Trump chỉ muốn hòa bình, còn Zelensky ngược lại, đã từ chối hòa bình, chỉ muốn chiến tranh”: Vậy có thể hòa bình không khi kẻ khác buộc mình phải chấp nhận mất đất bị bọn xâm lược chiếm đoạt, bị âm mưu cướp đoạt tài nguyên, bị mất quyền tự do?
 
Như thế khác gì đầu hàng, quỳ xuống phủ phục dưới chân chúng để bán rẻ đất nước, bán rẻ lợi ích dân tộc, làm tôi mọi nô lệ cho chúng nó.

Tôi đảm bảo, nếu xứ này có chiến tranh (bị xâm lược, điều không ai muốn), chính các ông bà là những kẻ đầu tiên quy phục, phất cờ trắng đầu hàng. Lời nói, suy nghĩ thế nào thì hành động thế ấy. Bản chất lộ ra từ lời nói.

Thời này đã khác trước nhiều rồi, chứ không phải cứ lý sự ra vẻ ta đây hiểu biết thời thế mà người ta nghe theo.

Một dân tộc đã ngoan cường chiến đấu chống xâm lược hơn 3 năm nay, dân tộc đó sẽ chiến thắng, sẽ có hòa bình đúng nghĩa, chứ không phải thứ hòa bình nhục nhã.

Các ông bà ra cái vẻ nhân đạo biết tiếc xương máu, thế người ta không tiếc chắc.

Coi cái ảnh này đi, quân xâm lược tàn phá đất nước như vầy thì chỉ có cầm vũ khí đánh đuổi chúng, chứ ở đó mà quỵ lụy van xin hòa bình. Nước các ông bà từng vậy, nước người ta cũng thế thôi.

Nguyễn Thông




Thời sự hơi nóng (kỳ 3)

Tới ngày 24.2 đã 3 năm tròn kể từ cuộc xâm lược tàn bạo của Nga trên đất nước Ukraine. Lúc này, với người dân nước Việt, nó (cuộc xâm lược và chống xâm lược ấy) vẫn là sự kiện nóng nhất. Người ta dường như quên đi cuộc sống còn đầy khó khăn, kinh doanh sa sút đình trệ, giá cả tăng nhanh, tiền mất giá, tràn lan trả mặt bằng thuê mướn, sự loay hoay sắp xếp lại bộ máy quá cồng kềnh thành bộ máy phản tinh gọn, gỡ nghẽn chỗ này gây tắc chỗ khác… để chú tâm chú mục vào cuộc chiến tranh ở nơi xa vạn dặm. Đó cũng là thói thường của những người hay hóng chuyện.

Lạ là, có rất nhiều người sống ở một nước từng bị mấy cuộc chiến tranh, bị xâm lược, từng đứng lên “không gì quý hơn độc lập tự do” nhưng lại ủng hộ bọn xâm lược. Thân Nga, từng gắn bó với Liên Xô, có những kỷ niệm về thời trai trẻ “sướng như đi Liên Xô” là một chuyện, còn đây là lúc công lý, chính nghĩa đang đối lập với bạo tàn, lang sói. Xin nhớ rằng Nga bây giờ không phải Liên Xô thời trước, vả lại khi ấy Liên Xô giúp gì xứ này cũng đâu có cho không, chả phải “tình hữu nghị quốc tế vô sản” như tuyên truyền, mà chỉ lợi dụng xương máu dân ta để bình yên cho nó. Cả Cuba cũng thế. Cứ nên huỵch toẹt như vậy. Nếu họ có ơn, chỉ ơn với thể chế cộng sản, với chế độ cầm quyền, chứ dân chẳng được gì, thậm chí còn mất mát, “phe nào thắng thì nhân dân đều bại (thơ Nguyễn Duy).

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2025

Thời sự hơi nóng

- Ngày 17.2, cách nay 46 năm, quân xâm lược Trung Quốc tràn sang đánh Việt Nam với tuyên bố lếu láo "dạy cho Việt Nam một bài học". Đó không phải là cuộc "chiến tranh biên giới phía bắc" như lâu nay chính quyền và bộ máy tuyên truyền xứ này thông tin. Đó là cuộc xâ.m lược một quốc gia có chủ quyền. Chúng đánh sâu vào nội địa, không phải chỉ biên giới phía bắc nhỏ hẹp mỏng mảnh, lại càng không phải chiến tranh xung đột bình thường mà là xâ.m lược.

Về phía Việt Nam, phải gọi đúng tên sự kiện này là "cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược". Vậy thôi, chứ không biên giới biên giếc, phía bắc phía biếc gì sất.

"Giặc đến đánh ta thì ta đánh trả", buộc nó phải rút về nước vào tháng 3.1979, ngày 16. Chỉ có điều sau sự mở màn xâm lược của Tàu cộng, cuộc chiến đấu của dân tộc ta còn phải kéo dài thêm chục năm, chịu bao nhiêu đau thương mất mát, tổn thất hơn cả lúc ác liệt tháng ban đầu. Vậy nhưng dân chúng không mấy ai biết, cứ tưởng chiến tranh đã kết thúc, hòa bình đã được lập lại. Hầu hết đều tin như thế. Năm 1980 trở về sau, chúng tôi đã nghĩ vậy, nhiều người bạn tôi ở ngay Hà Nội cũng nghĩ vậy. Tức là không biết gì cả. Chúng tôi không có lỗi khi vẫn làm lụng, mưu sinh, thậm chí ăn chơi nhảy múa. Mọi thông tin đại chúng bị bịt kín.

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2025

Trồng cây

Các quan lớn khi đã ngôi cao chức trọng thì ít ra cũng hơn người thường một cái đầu, biết nghĩ suy điều gì làm, điều gì không nên làm. Đừng có mù mờ lú lẫn u mê, thành đứa diễn trò, con rối trong tay đám quần thần đệ tử.

Tôi nói thật, bọn tay chân, trợ lý, cấp dưới của các ngài, phần lớn (tôi nhấn mạnh phần lớn chứ không phải tất cả) chúng, hoặc ngu dốt, hoặc đểu giả mưu mẹo hại chủ, chứ chả tốt đẹp giỏi giang gì.

Là kẻ bề tôi, chúng phải giúp chủ từng lời ăn tiếng nói, từng hành động cử chỉ sao cho đẹp đẽ, để chủ được thiên hạ kính nể, phục trọng, mến yêu, chứ không phải đẩy chủ vào thế bị chửi mắng, khinh thường. Nhưng chúng ngu, hoặc chúng đểu, nên cứ làm ngược lại.

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2025

Quanh quất Osin

Hôm 12.2.25, các báo mậu dịch đồng loạt đăng lại tin của Thông tấn xã về việc "ông Trương Huy San bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ".

Kể từ khi ông Trương Huy San, tức nhà báo lừng danh Huy Đức, tức Osin Huy Đức nổi tiếng, bị bắt giam ngày 1.6.2024, hầu như tất cả báo chí, cơ quan truyền thông đều sốt ruột chờ đợi xem có gì tiếp theo.
 
Và hôm 12.2 nó (tin) đã xuất hiện, nhưng tất cả "mậu dịch" đều phải lấy lại, copy từ Thông tấn xã. Điều này cũng phần nào cho biết có quyền tự do dân chủ hay không. Đã hết thời báo chí vênh vang về "tài" tự điều tra, tìm hiểu, khai thác để tung ra tin tức có "chủ quyền".

Nhà báo Huy Đức bị cơ quan tư pháp cao nhất xứ này (Viện KSND tối cao) truy tố tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại điều 331, khoản 2, Bộ luật Hình sự.

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

Còn chờ gì nữa mà nghiên với cứu

Ngày 4.2 (cách nay 26 ngày, gần 3 tuần), trên FB tôi có tút (status) về cấp huyện, nhắc tới chủ trương của ông Tô Lâm bàn việc tinh giản, loại bỏ, giải tán công an cấp huyện. Tôi cho rằng đó là một quyết định vĩ đại bởi xưa nay qua hàng chục đời “vua” thời hiện đại xứ này, không ai dám làm vậy, nhất là đụng đến công an.

Trong tút ấy, tôi cũng đề xuất rằng đã bỏ được công an huyện thì hoàn toàn có thể bỏ được tất bộ máy và hệ thống chính trị cấp huyện, kể cả đảng, chính quyền, tòa án, viện kiểm sát, mặt trận, hội đoàn này nọ. Chúng tồn tại một cách thừa thãi, hữu danh vô thực, tốn kém cả đống tiền ngân sách, mà chỉ đạt được mỗi kết quả để cho có, gây vướng víu bộ máy, phiền hà nhân dân.

Có không ít người phản bác ý kiến tôi (tất nhiên phủ nhận cả ông Tô Lâm), bảo rằng không thể bỏ công an huyện, chính quyền, mặt trận, tòa án, kiểm sát, bởi chúng đã tồn tại lâu rồi, quen rồi, là thứ… không thể bỏ. Đến khổ với các vị. Công an mà còn bỏ được thì không gì có thể không bỏ. Giỏi thì đi mà cãi lại ông Tô.

Cứ luẩn quẩn loanh quanh mãi trong thứ tư duy, lý luận cùn mòn do ông trùm lý luận giáo điều Nguyễn Phú Trọng để lại thì sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt trời rực rỡ đâu, tôi bảo thật.

Tòa và Huy Đức

Hôm nay, 27.2.2025, họ xét xử Huy Đức - Trương Huy San - Osin (là một người).

Huy Đức bị bắt ngày 1.6 Thiếu nhi quốc tế, bị xử ngày 27.2 Thầy thuốc Việt Nam. Huy Đức luôn bênh vực cho hai đối tượng ấy, trẻ em và thầy thuốc.

Bất giác tôi nhớ phiên tòa xử ông Tạ Đình Đề, một con người đúng nghĩa. Hôm ấy ngày 11.6.1976 (dễ nhớ bởi có 2 số 6) đám chúng tôi đi tàu điện từ Mễ Trì - Thanh Xuân tò mò kéo nhau tới bên ngoài trụ sở tòa án ở Hà Nội, phố Lý Thường Kiệt. Tất nhiên người ta chặn không cho vào, chỉ đứng ngoài ngóng cổ chờ. Đông nghịt.

Và cuối cùng là tiếng reo như sấm dậy. Tạ Đình Đề tiều tụy bước ra ngoài khi được trả tự do, như một người anh hùng.

Người làm nên kỳ tích có một không hai trong nền tư pháp hiện đại xứ này là bà Phùng Lê Trân, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Bà Trân tuyên bố trả tự do cho bị cáo Tạ Đình Đề ngay tại tòa, không phải bởi cụ Tạ là nhân vật tiếng tăm, con người huyền thoại, từng là đệ tử thân tín của cụ Hồ... mà chỉ do không có tội, vô tội. Vô tội thì phải thả. Vậy thôi.

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

Cấp huyện

Giải tán tầng nấc trung gian công an huyện là một quyết định vĩ đại.

Chỉ cần nhớ sau những sáp nhập vừa rồi, hiện nước ta có mấp mé 700 đơn vị hành chính cấp huyện (quận cũng là cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố  cũng vậy). Bộ máy cấp huyện tồn tại đã lâu, được coi là bất khả xâm phạm, không thể bỏ được, bất di bất dịch về mặt lý luận và thực tiễn. Thời ông Trọng, đứa nào chỉ nảy ý nghĩ (chứ chưa cần phát ngôn hoặc hành động) về việc bỏ cấp huyện cũng có thể bị coi là thế lực thù địch, chống phá, bị quy là có âm mưu làm suy yếu hệ thống bộ máy cầm quyền, có thể bị đi tù.

Nay dàn lãnh đạo mới, đứng đầu là ông Tô Lâm, đã đột phá, bỏ phăng cấp công an huyện. Không ai dám ho he. Không ho he bởi quá đúng, quá hợp lý, còn cãi cái gì. Ho he phản đối, cũng có thể bị bắt đi tù, bởi chống lại cái đúng. Tất nhiên đã và sẽ có những công an được điều về xã hoặc chuyển lên cấp tỉnh thành, nhưng sự sàng lọc, tinh giản, thải loại do bỏ cấp huyện sẽ làm bớt đi rất nhiều người, đặc biệt bớt những sĩ quan công an cấp tá hoặc cấp úy. Xin nhớ, trưởng hoặc phó công an huyện hàm tới đại tá, thượng tá, lương cực cao. Có trung tá công an chỉ làm nhiệm vụ của chiến sĩ cảnh sát giao thông, có đại úy chỉ làm việc gác cổng. Chết tiền dân.